Chờ...

Mỹ khẳng định không đưa vũ khí hạt nhân trở lại Ukraine

VOH - Mỹ khẳng định sẽ không đưa vũ khí hạt nhân tới Ukraine, loại vũ khí mà Kiev đã từ bỏ 30 năm trước theo Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 sau khi Liên bang Xô Viết tan rã.

Ngày 1/12, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh nước này không cân nhắc trao trả Ukraine các loại vũ khí hạt nhân, thay vào đó tập trung cung cấp vũ khí thông thường để giúp nước này tự vệ trước Nga.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi một số quan chức phương Tây gợi ý rằng Tổng thống Joe Biden có thể cân nhắc trao trả vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Ông Jake Sullivan bác bỏ ý kiến này, khẳng định việc đưa vũ khí hạt nhân trở lại Ukraine không nằm trong các lựa chọn của Mỹ.

"Điều đó không được cân nhắc. Những gì chúng tôi đang làm là tăng cường viện trợ nhiều vũ khí thông thường khác nhau cho Ukraine để họ có thể tự vệ hiệu quả và chiến đấu với Nga, chứ không phải (trao cho họ) năng lực hạt nhân", ông Sullivan nói.

bG9jYWw6Ly8vcHVibGlzaGVycy80Mzg3NzMvMjAyNDEyMDIwNjM4LW1haW4uY3JvcHBlZF8xNzMzMDk2MzI5LmpwZw_jpg
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan - Ảnh: AP

Nga đã có những phản ứng quyết liệt trước vấn đề này. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng nếu phương Tây trao vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Moscow có thể coi đây là hành động chiến tranh trực tiếp, tạo cơ sở cho một cuộc đáp trả bằng vũ khí nguyên tử.

Tổng thống Vladimir Putin cũng nhấn mạnh Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để ngăn chặn khả năng Ukraine trở thành cường quốc hạt nhân.

Ukraine, quốc gia từng sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, đã bàn giao khoảng 5.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật sau khi ký Bản ghi nhớ Budapest, đổi lại các cam kết đảm bảo an ninh từ các nước Mỹ, Anh và Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần bày tỏ sự thất vọng với thỏa thuận này, cho rằng nó khiến Ukraine không có công cụ răn đe và mất an ninh.

Ông Zelensky đã kêu gọi gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc tìm kiếm các biện pháp an ninh mạnh mẽ hơn.

Trong khi đó, Mỹ nhấn mạnh tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí thông thường, giúp nước này đối phó với các cuộc tấn công từ Nga, đồng thời khẳng định sẽ không quay trở lại chính sách hạt nhân trong khu vực.