Mỹ nói có bằng chứng dầu của Iran được chuyển đến Syria

(VOH) - Bộ Ngoại giao Mỹ có bằng chứng cho thấy siêu tàu dầu Adrian Darya 1 của Iran đã chuyển dầu thô cho chính phủ Syria, dù trước đó Iran đảm bảo họ đã không bán dầu thô cho nước này.

Cách đây vài tháng vào ngày 4/7, lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt giữ tàu dầu này với tên gọi trước đây là Grace 1, vì nghi ngờ nó đang trên đường đến Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Sau đó, Gibraltar đã trả tự do cho tàu vào ngày 15/8 sau khi nhận được bảo đảm bằng văn bản của Iran rằng họ sẽ không chuyển 2,1 triệu thùng dầu đến Syria.

Bộ Ngoại giao Anh hôm thứ Ba (10/9) cho biết rằng tàu chở dầu đã bán dầu thô cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, phá vỡ những cam kết trước đó và thực tế rằng dầu đã được chuyển sang Syria.

Hôm thứ Tư (11/9), phái viên của Iran, người được Bộ Ngoại giao Anh triệu tập về vấn đề này cho biết, dầu của Adrian Darya 1 đã được bán trên biển cho một công ty tư nhân, phủ nhận việc Tehran đã phá vỡ cam kết. Ông cũng cho biết người mua dầu tư nhân “chọn địa điểm giao dịch”.

Khi được hỏi liệu Mỹ có bằng chứng nào cho thấy con tàu đã chuyển dầu thô sang Syria hay không, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói với các phóng viên: “Tất nhên ... Iran vận chuyển dầu cho Syria, và nhiên liệu đó được dùng trong xe tăng quân đội - thứ tàn sát những người Syria vô tội.”

Mỹ có bằng chứng dầu của siêu tàu dầu Iran được chuyển đến Syria

Một thành viên thủy thủ đoàn đang chụp ảnh bằng điện thoại di động trên tàu chở dầu của Iran, Adrian Darya 1 sau khi Tòa án tối cao của Anh dỡ bỏ lệnh giam giữ, tại Eo biển Gibraltar, Tây Ban Nha, ngày 18/8/2019 (Ảnh: Reuters)

Đi sâu hơn vào việc Washington có bằng chứng về hoạt động này của Adrian Darya 1 hay không, ông Ortagus nói thêm: “Chúng tôi sẽ không nói như thế nếu chúng tôi không có bằng chứng.”

Vào thứ Ba (10/9), Bộ Ngoại giao đã ngừng xác nhận liệu Iran có bán dầu cho chính phủ Assad hay không, nhưng tất cả ẩn ý đều mạnh mẽ khẳng định là có.

Mỹ, năm ngoái đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Tehran để cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống 0, siết chặt các nguồn lực và buộc nước này phải chấp nhận những hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động ở lĩnh vực khác.