Theo đài CBS ngày 26/7 đưa tin, giới chức Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết nước này đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở một phụ nữ mang thai. Đứa trẻ sơ sinh đã được sinh ra an toàn và được tiêm globulin miễn dịch, hiện cả mẹ và con đều khỏe mạnh.
Tin cho hay, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Mỹ đã tăng vọt trong những ngày gần đây. Theo số liệu mới nhất từ CDC, Mỹ đã ghi nhận 3.846 ca bệnh đậu mùa khỉ trên cả nước và trở thành quốc gia có nhiều ca bệnh đậu mùa nhất trên thế giới.
Số ca bệnh đậu mùa khỉ tại Mỹ đã tăng 33% trong 3 ngày, hơn cả Tây Ban Nha. Đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 3.125 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Tính đến ngày 25/7, có năm tiểu bang tại Mỹ chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, gồm Alaska, Montana, Wyoming, Maine và bang Vermont. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các bang này có trường hợp dương tính với bệnh đậu mùa khỉ nhưng chưa được phát hiện.
Hiện New York là tiểu bang có nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ nhất tại Mỹ với tổng cộng 990 ca, kế đến là tiểu bang California với 356 ca và Illinois với 344 ca.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc xem có nên tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại nước này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hay không và lên kế hoạch bổ nhiệm một điều phối viên Nhà Trắng để giám sát các hoạt động phòng chống dịch.
Trước đó vào ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Thông tin từ WHO cho biết, đến nay đã có gần 16.000 ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 72 quốc gia không thuộc vùng lưu hành căn bệnh này.
Theo Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ, vào đầu tháng 7, chính phủ Mỹ đã đặt mua 2,5 triệu liều vắc xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ có tên gọi Jynneos, do hãng dược Bavarian Nordic của Đan Mạch sản xuất.
Dự kiến đến cuối tháng 7, khoảng 780.000 liều vắc xin Jynneos sẽ sẵn sàng được cung cấp cho người dân.
Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi và phát ban. Nếu không có biến chứng, bệnh nhân thường khỏi bệnh trong vòng 14 - 21 ngày.