Mới đây, cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo các du học sinh phải rời khỏi Mỹ nếu các lớp học trong trường được dạy trực tuyến hoàn toàn vào mùa thu này hoặc chuyển sang trường khác với sự hướng dẫn trực tiếp.
Theo Reuters, chưa rõ có bao nhiêu du học sinh bị ảnh hưởng bởi động thái này nhưng học sinh nước ngoài là nguồn thu nhập chính của rất nhiều trường đại học Mỹ vì họ thường trả toàn bộ học phí. Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm ngoái số học phí này đã đóng góp vào ngân sách Mỹ đến 45 tỷ USD.
Mỹ là quốc gia có số sinh viên và du học sinh quốc tế lớn nhất thế giới - hơn 1 triệu người, đóng góp vào ngân sách hàng chục tỷ USD mỗi năm. Ảnh: Washington Post
Được biết, chương trình Giao lưu và trao đổi sinh viên do ICE điều hành đã đưa ra miễn trừ tạm thời, cho phép du học sinh có các khóa học đã chuyển sang trực tuyến trong học kỳ mùa xuân và mùa hè, được ở lại Mỹ.
Mặc dù vậy, việc miễn trừ này sẽ không được áp dụng cho năm học mới chính thức. Quyết định này được công bố cùng ngày với thông báo của Đại học Harvard rằng tất cả các lớp học sẽ được chuyển qua hình thức trực tuyến trong năm học mới, bao gồm lịch của một số ít sinh viên đang sống tại ký túc xá của trường.
Theo tuyên bố của ICE, quyết định trên sẽ ảnh hưởng đến các du học sinh đang ở Mỹ theo visa diện F-1 và M-1, đến Mỹ để học theo chương trình chính quy. Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy đã có hơn 373.000 visa loại này đã được cấp vào năm ngoái.
Đại học Harvard ở Mỹ là trường đứng đầu trong top những trường đại học hàng đầu thế giới. Năm học mới sắp tới trường đang có kế hoạch chuyển sang dạy học theo hình thức trực tuyến 100%. Ảnh: Harvard University
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng quyết định mới đây của Cơ quan Di trú và Thực thi Hải quan Mỹ đưa ra là một giải pháp cứng nhắc cho một vấn đề vốn dĩ đã phức tạp. Điều này sẽ khiến sinh viên quốc tế, đặc biệt là những em trong các chương trình học trực tuyến, không còn lựa chọn nào ngoài việc rời khỏi Mỹ hoặc phải chuyển trường", Hiệu trưởng Đại học Harvard, ông Larry Bacow, phát biểu.
Ông Larry cũng nói thêm rằng quyết định này đã gây khó cho sinh viên, trong đó có sinh viên Harvard trong việc vừa tiếp tục chương trình học, vừa vượt qua các thách thức về đảm bảo an toàn sức khỏe trong thời kỳ đại dịch hiện nay.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren cho biết: "Trục xuất sinh viên quốc tế ra khỏi Mỹ giữa đại dịch toàn cầu vì trường của họ đang chuyển qua giảng dạy trực tuyến nhằm mục tiêu giãn cách xã hội sẽ gây tổn thương cho sinh viên. Đây là việc làm vô nghĩa, bài ngoại và bất nhẫn.”
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power cũng đồng tình với quan điểm trên của bà Elizabeth Warren. Bà cho rằng quyết định của ICE “không có ý nghĩa và không khả thi đối với hầu hết sinh viên đại học".
Nhà báo Elizabeth Spiers, giảng viên tại Đại học New York, cho biết nhiều sinh viên của bà hiện đang phụ thuộc nhiều vào visa và sẽ không thể theo học chương trình trực tuyến nếu rời khỏi Mỹ vì sự khác biệt về múi giờ giữa Mỹ và đất nước của họ.
Mỹ hiện có hơn một triệu sinh viên quốc tế đang theo học các chương trình cao học và cử nhân, chiếm khoảng 5,5% trong tổng số sinh viên trên toàn quốc. Trong số này, gần ¾ sinh viên đến từ các nước châu Á, với Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất (48% và 26%).