Thỏa thuận này nằm trong kế hoạch chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân sự mà Romania đề ra kể từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Romania - quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - trong kế hoạch chi tiêu ngân sách có nội dung đặt mục tiêu chi 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.
Romania có đường biên giới dài 650 km với Ukraine. Năm ngoái, mảnh vỡ từ các thiết bị bay không người lái (UAV) của Nga từng nhiều lần rơi xuống vùng lãnh thổ Romania, trong đó có nhiều khu vực nằm gần các bến cảng dọc theo sông Danube của Ukraine.
Gói vay mới nhất của Romania được Mỹ phê duyệt thông qua cơ chế Bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS) và có thời hạn trả trong vòng 12 năm.
Theo thỏa thuận, Bộ Quốc phòng Romania sẽ được nhận trực tiếp 700 triệu USD, còn 220 triệu USD còn lại trong gói vay sẽ dành cho ROMARM – công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Romania. Công ty này là nhà cung cấp các dịch vụ và kỹ thuật quốc phòng chủ chốt ở Romania, hiện quản lý 15 công ty con chuyên sản xuất vũ khí, đạn dược, thuốc súng và cả tên lửa dẫn đường.
Trước đó vào tháng 8, chính phủ Romania phê duyệt kế hoạch cho phép nước này tiếp cận các khoản vay trực tiếp đến 4 tỷ USD từ Mỹ thông qua cơ chế FMS, và lên đến 8 tỷ USD từ các thị trường tài chính khác với sự cam kết bảo đảm từ chính phủ Mỹ.