Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tính đến ngày 21/12, Mỹ đã ghi nhận 33.387 ca mắc, tăng gần 5 lần so với con số 6.733 ca cùng kỳ năm ngoái.
Khu vực Đông Bắc nước Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm các bang như Illinois, Indiana, Michigan, Ohio và Wisconsin, với tổng cộng 8.478 ca bệnh – tăng gấp 5 lần so với năm trước. Pennsylvania đang là bang có số ca mắc cao nhất cả nước, với 2.864 ca, tăng gấp 7,6 lần so với chỉ 376 ca vào năm ngoái.
Bang New York cũng ghi nhận hơn 2.600 ca, trong khi California – bang đông dân nhất nước Mỹ – báo cáo 1.749 ca bệnh. Tình trạng gia tăng nhanh chóng này khiến giới chuyên gia y tế phải lo ngại và đưa ra nhiều cảnh báo.
Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân của sự gia tăng số ca mắc ho gà là do các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội trong những năm trước đã giúp giảm sự lây lan của bệnh này. Tuy nhiên, khi các biện pháp này được nới lỏng, vi khuẩn ho gà lại bùng phát mạnh mẽ.
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Triệu chứng thường xuất hiện sau 7-10 ngày nhiễm bệnh, với các cơn ho dữ dội, kéo dài, kèm theo tiếng thở rít đặc trưng.
Bệnh ho gà có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu ôxy não, viêm não và xuất huyết kết mạc. Trong một số trường hợp nặng, bệnh thậm chí có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Khuyến cáo từ CDC
CDC khuyến nghị người dân, đặc biệt là trẻ em và người lớn tiếp xúc gần với trẻ nhỏ, nên tiêm vắc xin ngừa ho gà đầy đủ theo lịch. Vắc xin Tdap và DTaP đã được chứng minh là hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh và giảm thiểu biến chứng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Sự gia tăng số ca mắc ho gà là lời cảnh báo về nguy cơ tái bùng phát các bệnh truyền nhiễm khác nếu không có sự phòng ngừa thích hợp. Các cơ quan y tế tại Mỹ đang tăng cường giám sát, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để kiểm soát tình hình trong thời gian tới.