Mỹ thử nghiệm tên lửa tầm trung sau khi rút khỏi hiệp ước INF

(VOH) – Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/8 thông báo về cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình tầm trung, chỉ vài tuần sau khi rút ra khỏi hiệp ước với Nga.

Tờ South China Morning Post dẫn tin từ AFP cho biết Mỹ đã tiến hành phóng thử một quả tên lửa hành trình tầm trung ngay sau khi rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF với Nga.

Quả tên lửa đã được phóng thử hôm 18/8 từ đảo San Nicolas thuộc quyền kiểm soát của hải quân Mỹ tại bờ biển Los Angeles, California.

Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố rằng quả tên lửa thử nghiệm đã rời bệ phóng di động và tiếp cận mục tiêu sau quãng đường bay hơn 500km. Các dữ liệu và kết quả từ cuộc thử nghiệm sẽ cung cấp cho kế hoạch phát triển khả năng các vũ khí tầm trung trong tương lai của Bộ Quốc phòng.

Ngày 18/8, Mỹ đã phóng thử nghiệm một tên lửa tầm trung thế hệ mới. Nguồn: AFP

Trong khi quả tên lửa được mô tả là không có trang bị hạt nhân, việc phóng thử này là dấu hiệu cho thấy Washington đang tăng cường khả năng chiến đấu khi có chiến tranh hạt nhân sau khi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 sụp đổ hôm 2/8.

Tên lửa thử nghiệm hôm Chủ nhật là một phiên bản của tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Tomahawk, là dòng tên lửa đã ngừng sử dụng sau khi INF phê chuẩn.

Nhiều mối lo ngại cho sự kết thúc của INF nổi lên, khi Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, sẽ dẫn đến một cuộc chay đua vũ khí hạt nhân mới và nguy hiểm hơn.

Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Mỹ đã sẵn sàng bắt đầu công việc phát triển “hệ thống tên lửa đạn đạo và hành trình di động, thông thường”. “Hiện tại chúng tôi đã rút khỏi INF, Bộ Quốc phòng sẽ hoàn toàn có thể triển khai các hoạt động phát triển các tên lửa loại thường phóng từ mặt đất như một phản ứng thận trọng đối với các hành động của Nga”, ông Esper nói. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ không bắt đầu bất kỳ một cuộc chạy đua vũ trang mới nào.

Mỹ tiết lộ thêm đang có ý định triển khai hệ thống tên lửa tầm trung mới tại châu Á, mà động thái này có thể khiến Trung Quốc nổi giận.