Mỹ tổ chức quốc tang long trọng cho cựu tổng thống Jimmy Carter

MỸ - Ngày 9/1, Mỹ tổ chức một nghi thức quốc tang trọng thể để tưởng nhớ cựu Tổng thống Jimmy Carter, người vừa qua đời ở tuổi 100 vào ngày 29/12/2024.

Lễ tang được tổ chức tại Nhà thờ Quốc gia Washington vào lúc 10 giờ sáng (22 giờ Hà Nội), nơi linh cữu của ông đã được quàn tại Đồi Capitol từ ngày 7/1 để người dân đến viếng.

Lễ tang có sự tham gia của nhiều nhân vật quan trọng, bao gồm Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton cùng Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tổng thống Joe Biden đọc điếu văn trong buổi lễ và theo lời ông đây là yêu cầu của ông Carter khi hai người gặp nhau lần cuối cách đây 4 năm.

Sau nghi thức tại Washington, linh cữu ông Carter sẽ được đưa đến căn cứ không quân liên hợp Andrews rồi chuyển về quê nhà ở Plains, bang Georgia.

FMOZYTXVZ5IINPYV4L7GS3W5NE-6739-1736436401
Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter tại Atlanta, Georgia vào năm 2015 - Ảnh: Reuters

Một lễ tang nhỏ hơn sẽ được tổ chức tại đây vào tối cùng ngày và ông sẽ được an táng bên cạnh người vợ quá cố Rosalynn Carter, người qua đời vào năm 2023.

Cựu Tổng thống Carter, người đứng đầu chính quyền Mỹ từ 1977 đến 1981 đã có những đóng góp lớn cho hòa bình và nhân đạo.

Ông nổi bật với Hiệp định Trại David giúp đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ai Cập nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thử thách trong nhiệm kỳ, đặc biệt là khủng hoảng con tin Iran kéo dài 444 ngày.

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Carter tiếp tục làm việc trong lĩnh vực nhân đạo thông qua Trung tâm Carter, mà ông và vợ thành lập vào năm 1982. Trung tâm này đã thúc đẩy hòa bình và y tế trên toàn cầu.

Năm 2002, ông Carter được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế và thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và phát triển kinh tế xã hội.

Tổng thống Biden đã yêu cầu tất cả các tòa nhà hành chính treo cờ rủ trong vòng 30 ngày sau khi ông Carter qua đời, như một dấu hiệu tôn vinh di sản của một người đàn ông đã cống hiến cả đời cho hòa bình và nhân quyền.

Bình luận