Nguồn tin từ Reuters cho biết, hai bên kỳ vọng đạt bước đột phá nhằm tháo gỡ các rào cản đang đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chậm lại đà phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Đất hiếm nguyên liệu then chốt trong ngành công nghệ cao và quốc phòng đang là điểm nóng trong các tranh chấp thương mại thời gian gần đây.
Phía Mỹ cử một phái đoàn cấp cao tham gia đàm phán, gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer.
Trung Quốc cử Phó Thủ tướng Hà Lập Phong trực tiếp dẫn đầu đoàn đàm phán. Việc ông Lutnick lần đầu xuất hiện tại bàn đàm phán sau khi vắng mặt trong vòng đàm phán tại Geneva - cho thấy Mỹ đang đặc biệt ưu tiên giải quyết các chính sách siết xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/6 tỏ ra lạc quan, cho biết ông nhận được “toàn tin tốt” từ đoàn đàm phán và nhấn mạnh “Trung Quốc không dễ đối thoại, nhưng chúng tôi vẫn đang làm việc hiệu quả”.
Ông Trump cũng tiết lộ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại xuất khẩu đất hiếm trong một cuộc điện đàm gần đây dù chưa có xác nhận chính thức từ Bắc Kinh.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết Mỹ “đang chờ một cái bắt tay dứt khoát từ Trung Quốc” để giải quyết mâu thuẫn đang làm lung lay lòng tin của các nhà đầu tư toàn cầu.
Cuộc đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chịu sức ép. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này sang Mỹ trong tháng 5 đã giảm tới 34,5% mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.
Ở chiều ngược lại, đồng USD cũng mất giá mạnh với Dollar Index hiện đang dao động quanh 99,2 điểm mức thấp nhất trong ba năm qua.
Các chuyên gia nhận định, nếu đạt được thỏa thuận cụ thể về đất hiếm, Mỹ và Trung Quốc có thể mở đường cho một giai đoạn ổn định thương mại mới, giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo lực đẩy cho tăng trưởng toàn cầu.