Ngày 03/09, chính phủ Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 thực thể và 3 cá nhân, trong đó bao gồm một số thực thể tại Trung Quốc, Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và 2 công dân Trung Quốc với cáo buộc các thực thể và cá nhân này đã vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran khi tham gia vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu của Iran.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 6 công ty ở Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Trung Quốc vì đã ủng hộ công ty hóa dầu Triliance (Hong Kong) trong danh sách đen của Mỹ.
Ngoài Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với 5 thực thể tham gia vào các giao dịch liên quan đến các ngành công nghiệp hóa dầu của Iran.
Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc các thực thể này đã tham gia mua bán, vận chuyển hoặc tiếp thị dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ của Iran.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với 3 cá nhân giữ chức vụ giám đốc điều hành hoặc chức vụ tương đương tại các thực thể trong danh sách đen của Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, việc tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu của Iran vẫn là nguồn thu nhập chính của chính quyền nước này, nó giúp cung cấp tài chính để tài trợ cho các tổ chức khủng bố ở khu vực Trung Đông và cả chính quyền tham nhũng tại Venezuela.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven T. Mnuchin nói: “Chính quyền Iran sử dụng nguồn thu từ việc bán các sản phẩm hóa dầu để tiếp tục tài trợ cho khủng bố”.
Ông Mnuchin cho biết, những đối tượng tiêu thụ trái phép các sản phẩm dầu mỏ của Iran trên khắp thế giới nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn là mục tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ngành công nghiệp dầu mỏ là nguồn thu nhập chính của chính quyền Iran và nó cung cấp tài chính cho các hoạt động xấu xa của nước này ở Trung Đông.
“Hành động của chúng tôi hôm nay tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc cắt đứt mọi nguồn tài chính cần thiết của chính quyền Iran nhằm ngăn chặn việc thúc đẩy các hoạt động khủng bố và các hoạt động gây bất ổn khác”, thông cáo báo chí viết.
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ, 2 cá nhân người Trung Quốc bị trừng phạt gồm Lâm Tác Hữu (LIN Zuoyou) và Thạch Mẫn (SHI, Min). Trong đó Lâm Tác Hữu là người Chiết Giang, làm việc tại công ty Sino Energy Shipping HongKong, còn Thạch Mẫn là người Thượng Hải, làm việc tại công ty New Far International Logistics (Hongkong).
An Nhiên (Theo Epochtimes)