Lệnh ngừng bắn ban đầu được ban hành vào ngày 2/4, chỉ vài ngày sau thảm họa xảy ra hôm 28/3 khiến hơn 3.700 người thiệt mạng và hàng loạt cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng.
Hiện tại theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, khoảng 60.000 người vẫn đang phải sống trong các lều trại và hơn 2 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, nước sạch và dịch vụ y tế.
Việc kéo dài thời gian đình chiến là phản hồi trước lời kêu gọi của các tổ chức nhân đạo và cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh công tác cứu trợ đã bước sang tuần thứ tư nhưng vẫn đối mặt nhiều khó khăn do xung đột vũ trang cục bộ.

Liên minh “3 anh em” gồm ba lực lượng vũ trang nổi bật là Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang (TNLA) và Quân đội Arakan (AA) cũng tuyên bố đơn phương ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế.
Bức tranh an ninh tại Myanmar vẫn chưa thực sự yên bình. Từ tháng 11/2023, đất nước này đã chìm trong làn sóng giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và các lực lượng nổi dậy, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Vào tháng 9 năm ngoái, chính quyền quân sự từng kêu gọi các nhóm vũ trang từ bỏ vũ khí, đối thoại chính trị và thành lập chính đảng để tham gia bầu cử với kỳ vọng đưa Myanmar trở lại quỹ đạo hòa bình và phát triển. Nhưng những lời kêu gọi này phần lớn vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng.