Tại thành phố Barmer thuộc bang Rajasthan, phía tây Ấn Độ, nhiệt độ ngày 06/04 đã chạm mốc 45,6°C, mức cao nhất từng được ghi nhận trong tuần đầu tháng 4, cao hơn gần 7 độ so với mức trung bình nhiều năm.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cảnh báo, tình trạng nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần này tại nhiều khu vực thuộc miền Bắc, Đông, Trung và Tây nước này, bao gồm thủ đô Delhi cùng các bang Rajasthan, Gujarat, Madhya Pradesh, Maharashtra và Odisha.
Thủ đô Delhi ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày 06/04 đạt 38,2°C và thành phố hiện đang được đặt trong tình trạng cảnh báo màu vàng trong 3 ngày tới.
Cảnh báo vàng được áp dụng khi nắng nóng ở mức có thể chịu được với người khỏe mạnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính.
Giới chức khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với nắng nóng, mặc quần áo cotton thoáng mát và đội mũ hoặc che kín đầu khi ra ngoài trời.

Thông thường, mùa nắng nóng tại Ấn Độ bắt đầu từ tháng 4, nhưng nhiệt độ trong thời gian này những năm trước thường thấp hơn vài độ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng nắng nóng đã xuất hiện sớm từ tháng 2, phản ánh xu hướng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
Đợt nắng nóng đến sớm bất thường này tại Ấn Độ có liên quan đến tình trạng gió thổi yếu và bầu trời ít mây hơn, khiến bức xạ mặt trời tăng cường và làm nhiệt độ bề mặt gia tăng nhanh chóng.
Ông Mahesh Palawat, Phó Chủ tịch đơn vị dự báo khí tượng tư nhân Skymet, nhận định: “Trong những ngày tới, gió sẽ yếu đi và trời quang đãng hơn. Đây là điều kiện lý tưởng để nhiệt độ tăng cao”.
Trước đó, ông Mrutyunjay Mohapatra, Tổng giám đốc của IMD, cho biết, hầu hết các khu vực trên cả nước sẽ phải đối mặt với đợt nắng nóng dữ dội trong mùa hè năm nay, với nền nhiệt cao hơn mức trung bình tại đa số bang.
Các bang như Uttar Pradesh, Jharkhand, Chhattisgarh và Odisha có thể trải qua tới 10–11 ngày nắng nóng gay gắt, ông Mohapatra cảnh báo.
Tình trạng nắng nóng đến sớm này cũng đe dọa đến vụ mùa lúa mì, loại cây lương thực chủ lực của Ấn Độ, trong năm thứ ba liên tiếp.
Vào năm 2024, khi Ấn Độ ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ lên tới 50,5°C tại bang Rajasthan, cả nước đã có hơn 40.000 trường hợp nghi ngờ bị sốc nhiệt.
Vào tháng 05/2023, một trạm khí tượng ở Delhi từng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục lên đến 52,9°C, tuy nhiên, sau đó chính phủ xác nhận đây là lỗi kỹ thuật của cảm biến và điều chỉnh lại xuống 49,9°C.
Theo dữ liệu của chính phủ, gần 150 người đã tử vong do nắng nóng trong năm 2024, nhưng các nhà nghiên cứu độc lập cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.