Ngày 26/6, tại cuộc họp diễn ra tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ), đại diện 32 quốc gia thành viên của khối đã nhất trí chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng Thư ký tiếp theo của liên minh này.
Theo hãng tin Reuters, việc bổ nhiệm ông Rutte được mô tả mang tính thủ tục, bởi Tổng thống Romania Klaus Iohannis, đối thủ duy nhất của ông Rutte cho vị trí lãnh đạo NATO, đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào tuần trước vì không giành được sự ủng hộ.
Ông Mark Rutte sẽ chính thức tiếp quản vị trí mới vào ngày 1/10 tới, khi Tổng Thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg kết thúc nhiệm kỳ kéo dài 10 năm của mình. Năm nay cũng tròn 75 năm thành lập NATO.
Ông Stoltenberg cũng thể hiện sự hoan nghênh "nồng nhiệt" việc phê chuẩn ông Rutte trở thành người kế nhiệm mình.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông Stoltenberg cho biết: “Mark là một người theo chủ nghĩa liên kết xuyên Đại Tây Dương thực sự, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và là người xây dựng sự đồng thuận. Tôi biết khi tôi rời đi thì NATO vẫn được lãnh đạo bởi những người tâm huyết."
Theo truyền thống của NATO, vị trí Tổng Thư ký của khối thường thuộc về người châu Âu. Vị trí này có nhiệm kỳ 4 năm và có thể gia hạn. Ông Stoltenberg đã giữ chức Tổng Thư ký NATO từ năm 2014.
Các Tổng Thư ký NATO có vai trò chủ trì các cuộc họp của liên minh; dẫn dắt các cuộc tham vấn để đạt đồng thuận giữa các nước thành viên liên minh. Tổng Thư ký NATO cũng thường là người thay mặt khối đưa ra các tuyên bố, đồng thời đảm bảo các quyết định của NATO được đưa vào thực thi trên thực tế.
Kể từ khi tuyên bố mong muốn ứng cử vào vị trí Tổng Thư ký NATO, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, 57 tuổi, đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên chủ chốt như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông được cho là có lập trường linh hoạt trong tìm kiếm đồng thuận và rất ủng hộ Ukraine.
Ông Rutte sẽ nhậm chức trong bối cảnh NATO đang nỗ lực tăng cường an ninh của khối, đồng thời hỗ trợ việc phòng thủ của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Theo hãng tin Reuters, Tổng Thư ký mới của NATO sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi vừa phải duy trì sự hỗ trợ của các nước đồng minh dành cho Ukraine trong chiến sự với Nga, vừa phải bảo đảm không để xảy ra leo thang căng thẳng dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp với Moscow.
Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra ở Ukraine, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte là một trong những lãnh đạo ở Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy hỗ trợ quân sự cho Ukraine và nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm nền hòa bình tại châu lục.
Dưới thời lãnh đạo của ông Rutte, Hà Lan đã tăng ngân sách quốc phòng lên ngưỡng trên 2% GDP như yêu cầu của NATO, cung cấp nhiều máy bay chiến đấu F-16 cùng nhiều loại vũ khí, đạn dược cho Kiev.