Luật an ninh mới mà Trung Quốc áp dụng lên Hong Kong vào đầu tháng 7 đã gây nên nhiều tranh cãi và là nguồn cơn của hàng loạt cuộc biểu tình tại đặc khu này, vì cho rằng đây là động thái vi phạm nghiêm trọng quyền tự chủ tại Hong Kong.
Sau Canada, Australia, Anh thì ngày 28/7 đến lượt New Zealand là quốc gia tiếp theo tuyên bố đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Ngoài ra, các cảnh báo về đi lại đối với người dân New Zealand khi đến Hong Kong cũng đã được cập nhật để tránh những rủi ro mà luật an ninh mới mang lại.
Kể từ nay, hàng hóa tiêu dùng, công nghệ và cả thiết bị quân sự từ New Zealand xuất khẩu đi Hong Kong sẽ không còn được hưởng một số đặc quyền ưu đãi và sẽ được áp dụng quy định như khi xuất khẩu đi Trung Quốc.
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters. Ảnh: AP
Ngoại trưởng New Zealand - ông Winston Peters cho biết Trung Quốc và việc áp dụng luật an ninh mới lên đặc khu hành chính Hong Kong đã "làm xói mòn các nguyên tắc pháp trị, phá hoại chính sách “một quốc gia, hai chế độ” từng củng cố vị thế độc tôn của Hong Kong và đi ngược lại các cam kết của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại New Zealand cho rằng động thái này là sự “can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. “Quyết định của chính phủ New Zealand là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế” - trích thông cáo chính thức từ cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại New Zealand.
New Zealand cho rằng "vị trí độc tôn" của Hong Kong đang bị đe dọa. Ảnh: BBC
Ngày 1/7/2020, Trung Quốc đã chính thức áp dụng luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong. Bộ luật này đã tăng cường quyền lực của chính quyền đại lục và địa phương trong việc điều tra, khởi tố và trừng phạt những người có tư tưởng ly khai. Theo luật mới, những hành động ly khai, phá hoại, khủng bố, liên kết với các thế lực nước ngoài sẽ bị trừng phạt. Những người phạm phải những tội trên có thể đối mặt với án tù chung thân.
Chính quyền Hong Kong cho rằng luật an ninh mới là cần thiết để mang lại trật tự cho thành phố này trong bối cảnh tình hình biểu tình yêu cầu dân chủ tại đây vẫn còn diễn biến phức tạp suốt từ năm ngoái đến nay và thường xuyên biến tướng thành bạo động.
Mặc dù vậy, động thái của Trung Quốc vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Một số quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại về việc áp dụng luật an ninh mới lên Hong Kong, cho rằng bộ luật này “gây xói mòn nghiêm trọng quyền tự trị cao của Hong Kong, và gây hiệu ứng có hại đối với sự độc lập về bộ máy tư pháp và thượng tôn pháp luật” - trích tuyên bố chung của Hội đồng châu Âu (EC) đưa ra vào ngày 1/7.