Nga cùng lập trường với Trung Quốc về xung đột Israel-Hamas?

VOH - Sự tức giận đang gia tăng trên khắp Trung Đông, về các cuộc tấn công của Israel ở dải Gaza. Trong lúc này, Trung Quốc và Nga cũng đang tìm lý do để ủng hộ người Palestine.

Với Moscow và Bắc Kinh, việc Israel bắn phá dải Gaza là cơ hội đánh bóng uy tín với những quốc gia đang phát triển, trái ngược với Hoa Kỳ, khi luôn ủng hộ đồng minh Israel.

Lãnh đạo Nga-Trung trong 1 cuộc gặp gần đây - Ảnh CNN
Lãnh đạo Nga-Trung trong 1 cuộc gặp gần đây - Ảnh CNN

Trung Quốc liên tục kêu gọi kiềm chế và ngừng bắn, nhưng cũng gay gắt chỉ trích Israel. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin: “Các hành động của Israel đã vượt quá phạm vi tự vệ”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Israel ngừng trừng phạt tập thể với cư dân Gaza.

Nga bày tỏ sự thông cảm với người Palestine trong khi đổ lỗi cho Mỹ. Tổng thống Putin mới đây phát biểu: “Tôi nghĩ rằng đó là ví dụ sinh động, về sự thất bại trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông.”

Cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều tìm cách tăng cường quan hệ với khu vực phía Nam bán cầu, nhìn thấy cơ hội hợp tác kinh tế, và có thể là đối trọng với ảnh hưởng ngoại giao của Mỹ cùng đồng minh.

Điều đó đã được thể hiện trong tuần này, khi Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến “Vành đai - Con đường”. Sáng kiến đã cho vay hàng trăm tỷ USD tới nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khắp Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á.

Trung Quốc cho biết, ông Putin đã tham dự hội nghị và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm kéo dài 3 giờ, bao gồm cả trao đổi quan điểm về tình hình Palestine-Israel.

Ông Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho biết: “Trung Quốc và Nga vẫn nhìn cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ nhiều hơn là ở Palestine hay Israel. Nếu Hoa Kỳ có thể tập hợp thế giới một cách hiệu quả, thì điều đó thật tệ cho họ. Nếu Hoa Kỳ và các đồng minh ngày càng bị cô lập, họ sẽ thấy điều đó là rất tốt.”

Theo các chuyên gia, mặc dù chiến lược của Nga và Trung Quốc ở Trung Đông không hoàn toàn giống nhau, nhưng chúng có nhiều điểm chung.

Nga chỉ trích gay gắt Mỹ, nhưng Trung Quốc hầu như tránh chỉ trích Washington, trái ngược với thời kỳ đầu trong cuộc chiến Ukraine, khi sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga đã gây chú ý. Bắc Kinh nhiều lần cho rằng, xung đột Ukraine do Hoa Kỳ và NATO hiếu chiến, chưa quan đến đến nhu cầu an ninh chính đáng của Moscow.

Đầu năm 2023, Trung Quốc báo hiệu ảnh hưởng ngày càng tăng ở Trung Đông, khi bất ngờ công bố thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Iran mà họ làm trung gian.

Moscow cũng đang cải thiện quan hệ với Iran, trong đó có việc cung cấp máy bay không người lái từ Iran sang Nga, và cùng nhau ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Cả Trung Quốc và Nga đều có lịch sử ủng hộ người Palestine - và chỉ trích việc Hoa Kỳ đã gạt họ ra ngoài lề để giải quyết cuộc xung đột.

Ông Jean-Loup Samaan, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Rõ ràng có sự quan tâm chung, trong việc nhấn mạnh vai trò tiêu cực của Mỹ về cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas. Điều đó phù hợp với câu chuyện mà họ đang cổ súy, về sự cần thiết phải xây dựng một trật tự thế giới mới thay thế cho mô hình Hoa Kỳ lãnh đạo.”

Truyền thông nhà nước Nga cho biết, Moscow đang gửi viện trợ nhân đạo tới Gaza. Trung Quốc đã cử đặc phái viên phụ trách Trung Đông tới khu vực này, để gặp đại diện đặc biệt của Nga. Nga hôm 18/10 cho biết, họ đang phối hợp chính sách Trung Đông với Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin về cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, nhưng sau đó liên tục phát hình ảnh về sự đau khổ của người Palestine, với xu hướng Israel phải chịu trách nhiệm.

Bà Carice Witte, giám đốc SIGNAL Group nói: “Không có sự thật nào gây chấn động thế giới vào ngày 7/10 hơn tin tức của Trung Quốc. Tin tức này nói về việc Israel ném bom Gaza, nhưng không giải thích mục tiêu chỉ là cơ sở hạ tầng của Hamas.”

Hoa Kỳ đã cố gắng, nhưng chỉ thành công hạn chế, trong việc thuyết phục Nam bán cầu tập hợp lại ủng hộ Ukraine. Truyền thông Nga và Trung Quốc miêu tả Hoa Kỳ là người đứng sau điều khiển cuộc xung đột, làm giảm hiệu quả của nỗ lực đó.

Ông Jon Alterman nói tiếp: “Trung Quốc luôn coi Mỹ là đối thủ địa chính trị. Trung Quốc đang cố gắng gia tăng ảnh hưởng ở Nam bán cầu, bất kể mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Israel. Nghiêm trọng hơn cả việc ủng hộ Hamas, Trung Quốc đang âm thầm giúp hình thành sự phản kháng đối với nỗ lực của Mỹ, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế dành cho Israel.”

Ông Ma Xiaolin, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang cho biết, Trung Quốc đang có thái độ cân bằng giữa Palestine và Israel, nhưng nếu bị thúc ép, họ sẽ đứng về phía các đối tác Ả Rập.

Ông Ma khẳng định: “Nếu Israel, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, mở rộng quy mô cuộc chiến, gây ra nhiều thương vong do dân thường, Trung Quốc chắc chắn sẽ nghiêng theo hướng có lợi cho Palestine.”

Bình luận