Chờ...

Nga: Không mong đợi NATO thay đổi chính sách dưới thời tân Tổng Thư ký Mark Rutte

VOH - Cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã chính thức đảm nhiệm vị trí tân Tổng Thư ký NATO. Nga cho biết họ không mong đợi có bất kỳ sự thay đổi chính sách nào của NATO dưới thời người lãnh đạo mới này.

Ngày 1/10, cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chính thức nhận nhiệm vụ mới ở vị trí Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kế nhiệm ông Jens Stoltenberg sau một thập kỷ lãnh đạo tổ chức này.

Phía Nga đã có những phản ứng đầu tiên trước sự kiện này, cho biết không mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách của NATO dưới thời tân Tổng Thư ký Mark Rutte.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ tiếp tục hoạt động với cùng đường lối mà liên minh đã và đang theo đuổi”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Ông Peskov cũng nói thêm rằng Tổng thống Vladimir Putin hiểu rõ ông Mark Rutte từ các hoạt động chính trị trước đó khi ông Rutte còn là Thủ tướng Hà Lan.

Nhiều ý kiến cho rằng khi đảm nhiệm vị trí mới, tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ nhiều phía.

mark-rutte-jens-stoltenberg-1-10-2024-2_jpg(1)
Tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte (trái) nhận linh vật biểu trưng từ người tiền nhiệm Jens Stoltenberg - Ảnh: NATO

Thách thức đầu tiên là vấn đề Ukraine trong xung đột với Nga, khi Kiev liên tục kêu gọi viện trợ quân sự, trong khi Mỹ - quốc gia tài trợ quân sự lớn nhất cho Kiev chỉ còn hơn tháng nữa là có tân Tổng thống mới  sẽ trở thành bài toán không hề dễ dàng cho NATO.

Một trong những kịch bản khó khăn cho NATO là khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhân vật từng nhiều lần tỏ rõ sự hoài nghi với NATO - sẽ trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử diễn ra tháng 11 tới.

Ông Donald Trump từng lên tiếng cảnh báo rằng nếu ông trở lại làm Tổng thống Mỹ, ông sẽ cắt viện trợ của nước này dành cho Ukraine. Điều này đồng nghĩa với uy tín của NATO trong hỗ trợ Ukraine bị giảm sút mạnh mẽ, nhất là khi Mỹ đang là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Kiev.

Ông Trump nếu tái đắc cử cũng có thể làm hỏng kế hoạch của NATO khi muốn Ukraine trở thành thành viên của liên minh này trong tương lai.

Ngoài ra còn có các thách thức khác đến từ các quốc gia đồng minh ở Đông Âu, khi đang đề xuất tăng thêm biên chế binh sĩ NATO trong khu vực để chống lại Nga.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2023, NATO đã tăng gấp đôi quân số - lên khoảng 10.000 quân triển khai tới các thành viên ở phía đông châu Âu.

Tuy vậy, các nước Đông Âu vẫn muốn có thêm quân đội và vũ khí - đặc biệt là các hệ thống phòng không. Điều này có nghĩa là NATO phải thuyết phục được các thành viên ở phía tây chuyển thêm nhiều khí tài quân sự, binh sĩ và trang thiết bị của họ hơn về phía đông, và điều này vốn không hề dễ dàng trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.

Tiếp đến là bất đồng về chi phí cho quốc phòng. Theo ước tính của NATO, trong  năm nay sẽ có 23 trong số 32 thành viên đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng; và Hà Lan là quốc gia thường xuyên bị chỉ trích vì tỷ lệ chi tiêu quốc phòng ở mức thấp.

Nhiều quan chức NATO cho rằng khoản chi tiêu này sẽ cần tăng thêm nữa - có thể lên tới 2,5% GDP hoặc hơn - để tăng thêm quân và vũ khí nhằm thực hiện cuộc cải tổ lớn các kế hoạch quốc phòng của liên minh.