Nga đã lần đầu lên tiếng trước tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về ý định mua lại đảo Greenland, phần lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch. Theo các quan chức Nga, ý tưởng này mang tính suy đoán và phi thực tế, trong khi cộng đồng quốc tế cũng đồng loạt lên tiếng phản đối.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev gọi kế hoạch của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump là “suy đoán hoang đường” và cho rằng nó phản ánh tham vọng tái định hình thế giới theo cách riêng của ông Trump.
Trong một bài đăng trên Telegram, ông Medvedev nhận xét: “Kế hoạch của ông Trump là thiết lập một địa chính trị mới theo phong cách của mình, biến thế giới hiện tại thành một phiên bản tươi sáng và đầy màu sắc hơn. Tuy nhiên, tất cả điều này đều xa rời thực tế.”
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng chia sẻ quan điểm rằng, dù các tuyên bố của ông Trump nằm trong phạm vi quan hệ song phương giữa Mỹ và Đan Mạch, Nga vẫn theo dõi sát sao các diễn biến liên quan. Ông Peskov nhấn mạnh: “Tạ ơn Chúa! Mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở các tuyên bố.”
Tuyên bố của ông Trump về việc mua Greenland được đưa ra vào ngày 7/1, trong đó ông khẳng định rằng việc kiểm soát hòn đảo này là "một điều cần thiết cho an ninh quốc gia Mỹ", đồng thời để ngỏ khả năng áp đặt các biện pháp kinh tế hoặc quân sự để đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, phía Đan Mạch nhanh chóng bác bỏ ý tưởng, khẳng định Greenland không phải để bán. Thủ tướng Đan Mạch gọi tuyên bố của ông Trump là “vô lý” và không thể chấp nhận.
Phản ứng từ các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thể hiện sự lo ngại sâu sắc. Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định rằng chủ quyền của Greenland cần được tôn trọng, đồng thời nhấn mạnh các điều khoản về phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon sẽ được áp dụng nếu xảy ra bất kỳ hành động quân sự nào.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tuyên bố trên truyền thông rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào “tấn công biên giới chủ quyền của khối.”
Không chỉ Greenland, ông Trump còn gây tranh cãi khi đưa ra ý tưởng sáp nhập Canada như một bang thứ 51 của Mỹ, hứa hẹn giảm thuế và tăng cường an ninh cho quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, các quan chức Canada chỉ trích kế hoạch này là thiếu thực tế và gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương.
Trong khi đó, nội bộ chính quyền Mỹ cũng tỏ ra không đồng tình với những tuyên bố của ông Trump.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định rằng kế hoạch kiểm soát Greenland “không khả thi và sẽ không xảy ra.” Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Paris, ông Blinken kêu gọi tập trung vào các mục tiêu thực tiễn thay vì lãng phí thời gian vào những ý tưởng viển vông.
Tuyên bố của ông Trump về Greenland và Canada đã làm dấy lên những lo ngại về cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ mới. Dù bị coi là thiếu khả thi, những kế hoạch này cho thấy ông Trump tiếp tục theo đuổi các chiến lược gây tranh cãi và có thể làm khuấy động thêm các diễn đàn quốc tế.