Hệ thống phòng không S-500, còn được gọi là Prometheus, là sản phẩm của tập đoàn Almaz-Antey, được xem là một trong những thành tựu nổi bật trong phát triển phòng thủ tên lửa của Nga.
Với tầm bắn tối đa 600 km và khả năng đánh chặn mục tiêu ở độ cao tới 200 km, S-500 vượt xa các hệ thống tiền nhiệm như S-300 và S-400. Hệ thống này có thể vô hiệu hóa nhiều loại mối đe dọa hiện đại, bao gồm máy bay tàng hình, tên lửa siêu vượt âm, tên lửa đạn đạo liên lục địa và thậm chí cả vệ tinh ở quỹ đạo thấp.
Một tổ hợp S-500 tiêu chuẩn bao gồm một trung tâm điều khiển, hai cụm radar đa chức năng, và tối đa 12 bệ phóng. Mỗi bệ phóng có khả năng đánh chặn đồng thời 10 mục tiêu bay với tốc độ lên tới 7 km/giây (Mach 20).
Toàn bộ tổ hợp được thiết kế trên khung gầm xe tải hạng nặng, mang lại khả năng cơ động cao trong mọi điều kiện địa hình.
Quyết định triển khai hệ thống S-500 tại Crimea nhằm giải quyết các lỗ hổng trong mạng lưới phòng không hiện tại, đồng thời bảo vệ các cơ sở trọng yếu, đặc biệt là cầu Crimea - tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa và khí tài quân sự giữa Nga và bán đảo Crimea, và là biểu tượng chiến lược của Nga tại khu vực Biển Đen.
Crimea thời gian qua đã trở thành mục tiêu thường xuyên của các cuộc tập kích từ Ukraine, với các tên lửa được sử dụng cực kỳ hiện đại như ATACMS của Mỹ hay Storm Shadow của Anh. Những vụ tấn công này đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở quân sự quan trọng, bao gồm sân bay Saki ở Dzhankoy.
Với việc triển khai S-500, Nga hy vọng sẽ không chỉ ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự mà còn tăng cường khả năng bảo vệ các tài sản chiến lược, đồng thời duy trì ưu thế trên chiến trường.
Với khả năng đánh chặn các mục tiêu tiên tiến, S-500 trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược quân sự của Nga, bổ sung sức mạnh cho các hệ thống phòng thủ S-400 và S-300 hiện có.
Các chuyên gia nhận định rằng việc tích hợp S-500 vào mạng lưới phòng thủ của Nga sẽ tạo ra một lớp bảo vệ toàn diện, đảm bảo an ninh và ổn định cho Crimea -- phần lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng về cả quân sự và địa chính trị đối với Nga, giúp hạn chế đáng kể các hoạt động của NATO trong khu vực và củng cố vị thế chiến lược của Moscow.