Nga và Trung Quốc đã chính thức đệ trình hồ sơ trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), tuyên bố rằng có đủ cơ sở để thu hồi toàn bộ lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt lên Iran. Đặc biệt, Nga đã viện dẫn một lý luận pháp lý có lịch sử 50 năm tuổi để đấu tranh trước LHQ.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị đã đệ trình trước 15 nước thành viên HĐBA và Tổng Thư ký LHQ - Antonio Guterres về trường hợp Mỹ muốn tái áp đặt trừng phạt Iran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, dù trước đó Nhà Trắng đã rút khỏi Hiệp định này từ năm 2018.
Nga và Trung Quốc vốn là hai quốc gia có quyền phủ quyết trong HĐBA, đã đưa ra hồ sơ thể hiện sự phản đối với quyết định của Mỹ.
"Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói về kế hoạch của Mỹ trong bản kiến nghị lên HĐBA vào ngày 27/5. Ông cũng cho rằng hành động từ Washington là "vô trách nhiệm" và có phần "lố bịch".
Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga cũng đã viện dẫn điều khoản của Tòa án Công lý quốc tế năm 1971, trong đó nêu rõ một nguyên tắc được sử dụng nhất quán trong các mối quan hệ hoặc các tổ chức quốc tế là "khi một bên tham gia từ bỏ hoặc không tham gia các nghĩa vụ của mình trong tổ chức thì cũng không có quyền được công nhận các quyền lợi liên quan có trong tổ chức đó".
"Mỹ không còn là một nước tham gia JCPOA (thỏa thuận hạt nhân năm 2015) từ năm 2018 thì sau khi rời bỏ, họ cũng không có quyền yêu cầu HĐBA thúc đẩy việc tái áp đặt trừng phạt lên nước khác", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị viết trong hồ sơ được gửi đi ngày 7/6 của mình.
Nga và Trung Quốc vốn là hai quốc gia có quyền phủ quyết trong HĐBA đã trình hồ sơ phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran của Mỹ. Trong ảnh là ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Reuters.
Trước đó, chính quyền Washington đã đe dọa sẽ kích hoạt việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran nếu HĐBA không gia hạn cấm vận vũ khí đối với Tehran - dự kiến hết hạn vào tháng 10 theo thỏa thuận năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới nhằm ngăn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft tuần trước cũng tuyên bố rằng một dự thảo nghị quyết về vấn đề cấm vận đối với Iran sẽ sớm được đưa ra.
Phía Mỹ cũng lập luận rằng họ vẫn có thể kích hoạt việc tái áp đặt trừng phạt vì hiện trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của LHQ vẫn công nhận Mỹ tham gia. Tuy vậy các chuyên gia ngoại giao nhận định rằng Washington có thể sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn, hỗn độn về mặt pháp lý.