Hãng tin Interfax dẫn thông tin từ Bộ Y tế Nga ngày 15/8 cho biết Nga đã sản xuất lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của nước này.
Vắc xin này do Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya cùng Viện Nghiên cứu 48 - Bộ Quốc phòng Nga hợp tác phát triển.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ảnh một nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Gamaleya ở Nga - Ảnh: TTO
Thông tin trên được đưa ra vài giờ sau khi Bộ Y tế Nga cho biết họ đã bắt đầu sản xuất vắc xin ngừa COVID-19. Nga nói rằng vắc xin này - có tên Sputnik V là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên được bắt đầu sản xuất. Vắc xin sẽ được triển khai sử dụng vào cuối tháng này.
Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, trước hết, những lô vắc -xin phòng dịch Covid-19 đầu tiên này sẽ được gửi cho các bác sỹ. Đồng thời, việc sản xuất vaccine của Nga trước hết sẽ ưu tiên cho thị trường nội địa vì cần phủ kín nhu cầu của người dân.
Trước đó, ông Murashko đã cho biết, sau các nhân viên y tế và giáo viên, là những người được tiêm chủng đầu tiên vào khoảng cuối tháng 8 hoặc trong tháng 9, việc tiêm chủng đại trà trong dân chúng có thể bắt đầu từ ngày 1/1/2021 và việc tiêm chủng là tự nguyện.
Người đứng đầu Bộ Y tế Nga cũng cho biết rằng, Nga sẽ dự kiến sản xuất vắc-xin ở nước ngoài. Các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành. Theo lời Bộ trưởng Murashko, “Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga đã tham gia trực tiếp vào công việc xuất khẩu công nghệ và thuốc, sản xuất trên các địa điểm khác có thể được thực hiện.”
Bộ Y tế Nga nói rằng vắc xin Sputnik V đã trải qua tất cả kiểm tra cần thiết và chứng minh có thể xây dựng miễn dịch chống lại virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19. Vắc xin có hai thành phần được tiêm riêng, trong đó lần tiêm thứ hai phải được thực hiện sau lần tiêm đầu 3 tuần.
Hãng tin Sputnik dẫn lời các quan chức Nga cho biết nước này có thể sản xuất 500 triệu liều vắc xin trong 12 tháng tới.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã đảm bảo với công chúng rằng vắc xin này an toàn, đồng thời nói rằng một trong các con gái của ông đã được tiêm và thấy vẫn khỏe sau đó.
Bộ trưởng Mikhail Murashko cho rằng, các ý kiến hoài nghi về vaccine của Nga là không có căn cứ. Theo quan điểm của ông, "các đồng nghiệp nước ngoài, cảm thấy sự cạnh tranh nhất định, lợi thế cạnh tranh của thuốc Nga, đang cố gắng bày tỏ một số ý kiến, là hoàn toàn vô căn cứ.”
Ông nhắc nhớ rằng, nhiều nước đã sử dụng một số chế độ bắt buộc để nghiên cứu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, “nền tảng mà vaccine được tạo ra ở Nga đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và an toàn: trước đây nó đã được sử dụng để tổng hợp và sản xuất các loại thuốc khác.”
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có 28 trong số 165 loại vắc xin phòng Covid-19 tiềm năng đang được thử nghiệm trên người, trong đó 6 loại đã trải qua giai đoạn 1, 2 và đang ở giai đoạn 3. Vắc xin Sputnik V hiện vẫn nằm trong danh sách thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của WHO. Trong khi đó, tờ Vedomosti (Nga) đưa tin Nga “kết hợp thử nghiệm vắc xin giai đoạn 1, 2 cùng lúc” và gọi đây là chuyện bình thường.
WHO hôm qua tuyên bố muốn tiếp cận, đánh giá dữ liệu, kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Nga sau khi các chuyên gia bày tỏ lo ngại trước độ an toàn của Sputnik V, theo AFP. Đến nay, Nga vẫn chưa công bố bất kỳ dữ liệu nào về thử nghiệm lâm sàng. Tờ Vedomosti dẫn lời các chuyên gia Nga kêu gọi cần phải hoàn tất giai đoạn 3, theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng hơn trước khi sản xuất đại trà.
Người đứng đầu hội đồng quản trị Công ty R-Pharm, ông Alexey Repik, cho biết giá xuất khẩu vắc xin ngừa COVID-19 của Nga ít nhất là 10 USD cho 2 liều. Ông lưu ý lô vắc xin đầu tiên có thể sẽ khá đắt, nhưng vắc xin sẽ trở nên rẻ hơn khi số lượng sản xuất đạt quy mô công nghiệp đủ lớn.
Cập nhật dịch COVID-19 chiều 15/8: Thêm 20 ca mắc mới, 1 ca ở Đà Nẵng tử vong - Chiều nay 15/8, Việt Nam đã thêm 20 ca mắc mới COVID-19 trong đó Đà Nẵng 11ca, Quảng Nam 4 ca, Hải Dương 1 ca. Riêng TPHCM thêm 4 ca nhập cảnh từ nước ngoài về. 1 ca ở Đà Nẵng tử vong.