RT đưa tin, hiệp ước INF cấm các hệ thống này, nhưng Mỹ đã rút khỏi hiệp ước vào năm 2019. Lựa chọn của Mátxcơva là duy trì lệnh cấm miễn là Washington cũng tuân thủ.
"Liên quan đến việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này và thông báo rằng họ đang bắt đầu sản xuất tên lửa, chúng tôi cũng cho rằng mình có quyền bắt đầu nghiên cứu, phát triển và sản xuất trong tương lai", Tổng thống Putin phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, Kazakhstan ngày 4/7.
Tổng thống Nga nói thêm: “Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu, phát triển và sẵn sàng bắt đầu sản xuất. Về nguyên tắc, chúng tôi đã đưa ra các hướng dẫn liên quan cho ngành công nghiệp quốc phòng của mình”.
Tuần trước, Tổng thống Nga cũng đã đề cập trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ở Mátxcơva về khả năng Nga có thể tiếp tục sản xuất các hệ thống tên lửa bị cấm trước đây, với lý do “hành động thù địch” của Mỹ.
Ông chủ Điện Kremlin tuyên bố, các động thái của Washington khiến Mátxcơva không còn lựa chọn nào khác ngoài việc khôi phục các chương trình tên lửa tầm trung và tầm ngắn, đồng thời cho biết thêm rằng chúng sẽ được triển khai “dựa trên tình hình thực tế, nếu cần thiết”.
Hiệp ước INF năm 1987 cấm cả Mỹ và Liên Xô sản xuất và triển khai tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình đất đối đất cũng như các bệ phóng tương ứng của chúng với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Theo Hiệp ước, các bên phải rút tất cả các bệ phóng và tên lửa loại này, bao gồm tên lửa trên cả lãnh thổ châu Âu và châu Á của Liên Xô, trong vòng 3 năm.
Hiệp ước không ảnh hưởng đến các hệ thống tên lửa trên không hoặc trên biển có cùng phạm vi. Điều này giúp giảm bớt căng thẳng về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu.
Năm 2019, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF với cáo buộc Nga đã phát triển tên lửa bị cấm, song Mátxcơva đã bác bỏ cáo buộc này và "tố ngược" Washington. Mỹ cho biết có thể sẽ quay trở lại INF nếu Nga loại bỏ những khí tài vi phạm.