Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.797.639 ca nhiễm và 623.350 ca tử vong do Covid-19, tăng 20.262 ca nhiễm và 234 ca tử vong. Tờ New York Times ngày 13/7 dẫn dữ liệu thống kê cho biết số ca mắc Covid-19 mới trung bình trong ngày tại Mỹ đã tăng 94% trong 2 tuần qua.
Ngoại trừ 4 bang là West Virginia, Maine, South Dakota và Iowa, tất cả các bang khác tại Mỹ đều chứng kiến mức tăng số ca mắc trung bình trong ngày trong 14 ngày qua, trong đó mức trung bình ở 16 bang đã tăng ít nhất gấp đôi trong giai đoạn này.
Biến chủng Delta đang khiến số ca nhiễm tăng vọt tại những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp, như Louisiana. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày trên toàn quốc hôm 12/7 là 21.420, trong khi con số này hôm 20/6 là 11.462.
Số ca tử vong tại Mỹ cũng có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, việc yêu cầu tiêm vắc xin với một số nhóm đối tượng đã làm dấy lên tranh cãi tại một quốc gia tôn trọng quyền tự do cá nhân.
Mặc dù có nguồn cung vắc xin lớn nhất thế giới, Mỹ đang phải chật vật thuyết phục những người ngần ngại tiêm chủng. Tổng thống Joe Biden từng đặt mục tiêu tiêm ít nhất một liều vắc xin cho 70% người trưởng thành vào ngày 4/7, nhưng con số này hiện này vẫn chỉ là 67,7%.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới - ghi nhận 32.906 ca nhiễm mới trong ngày 13/7, mức tăng hàng ngày thấp nhất kể từ giữa tháng 3 và thấp hơn hẳn so với khoảng 400.000 ca mỗi ngày vào giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng đại dịch thứ hai. Tổng số ca nhiễm và tử vong hiện nay tại Ấn Độ lần lượt là hơn 30,9 triệu và 410.784.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cảnh báo người dân tránh tụ tập đông người tại các điểm du lịch và kêu gọi tiêm chủng nhanh hơn, sau khi Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA) bày tỏ lo ngại những đám đông du khách và người hành hương có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm và dẫn đến làn sóng đại dịch thứ ba chết chóc.
Thủ tướng Modi cũng cho biết, để chống lại làn sóng thứ ba, Ấn Độ "phải tiếp tục đẩy nhanh quá trình tiêm chủng". Tuần trước, nước này đã tiêm trung bình gần 4 triệu liều vắc xin mỗi ngày, thấp hơn hẳn so với mức kỷ lục 9,17 triệu liều vào ngày Thủ tướng phát động chiến dịch. Công tác tiêm chủng bị chững lại do thiếu nguồn vắc xin và nhiều rào cản hậu cần khác.
Anh ghi nhận thêm 50 người chết vì Covid-19, 36.660 ca nhiễm trong ngày 13/7, nâng tổng số ca tử vong lên 128.481, và tổng số ca nhiễm lên 5.191.459. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp vùng dịch lớn thứ 7 thế giới báo cáo số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ vượt 30.000.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid hôm 12/7 cho biết nước này vẫn giữ nguyên lộ trình dỡ bỏ gần như toàn bộ biện pháp hạn chế vào ngày 19/7, bất chấp Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) gọi đây là quyết định "vô trách nhiệm" và có nguy cơ gây ra "hậu quả thảm khốc".
Theo ông Sajid Javid, mặc dù biến chủng Delta dễ lây nhiễm hơn, hai liều vắc xin dường như hiệu quả trong việc chống lại nguy cơ nhập viện. 86% người trưởng thành tại Anh đã tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19 và gần 65% đã tiêm đầy đủ.
Indonesia đã vượt số ca nhiễm mới hàng ngày của Ấn Độ và trở thành tâm điểm đại dịch mới ở châu Á. Vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á hôm 13/7 báo cáo 47.899 ca nhiễm Covid-19 mới, mức kỷ lục và cao hơn đáng kể so với 40.427 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.615.529, trong đó 68.219 trường hợp đã tử vong.
Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Indonesia cao hơn Ấn Độ dù dân số nước này chỉ bằng 1/5 Ấn Độ. Indonesia hiện ghi nhận khoảng 132 ca nhiễm trên một triệu người, trong khi tỷ lệ này ở Ấn Độ chỉ là 26 tính đến ngày 11/7, theo Our World in Data.
Tình hình đại dịch ở Indonesia nhanh chóng trở nên trầm trọng hơn sau kỳ nghỉ lễ Eid của người Hồi giáo vào tháng 5, cùng việc biến chủng Delta dễ lây lan hơn bao trùm đất nước. Khó khăn với quốc gia Đông Nam Á thêm chồng chất vì thiếu nhân viên y tế, nguồn oxy và thuốc điều trị Covid-19, trong khi chiến dịch tiêm chủng diễn ra chậm chạp. Indonesia mới chỉ tiêm vắc xin cho khoảng 13% dân số.
Trong ngày 13/7, Malaysia đã báo cáo 11.079 ca mắc Covid-19 mới, cao nhất từ trước đến nay. Đây là lần đầu tiên Malaysia ghi nhận mức tăng năm con số. Kỉ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 10/7, với 9.353 ca.
Từ ngày 1/6 đến nay, Malaysia đã áp dụng lệnh phong toả toàn quốc, nhưng số ca bệnh chưa có dấu hiệu giảm.
Với tổng cộng 855.949 ca bệnh, Malaysia là một trong những quốc gia có tỷ lệ số ca bệnh trên đầu người cao nhất Đông Nam Á, nhưng cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, với 25% trong số 32 triệu dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19.
Cơ quan chức năng Malaysia ngày 13/7 cho biết một trung tâm tiêm phòng Covid-19 ở nước này đã được lệnh đóng cửa để khử trùng sau khi hơn 200 tình nguyện viên và nhân viên dương tính với SARS-CoV-2.
Theo Reuters, ổ dịch Covid-19 mới được phát hiện tại một trung tâm tiêm chủng ở Selangor, sau khi 204 nhân viên và tình nguyện viên nhận kết quả dương tính. Cơ sở này có công suất khoảng 3.000 mũi tiêm/ngày. Khoảng 88% nhân viên trung tâm đã được chủng ngừa.
Thái Lan trong 24 giờ qua báo cáo thêm 8.685 ca nhiễm và 56 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 của nước này lên lần lượt 353.712 và 2.847 trường hợp.
57% ca nhiễm mới gần đây ở thủ đô Bangkok liên quan biến chủng Delta. Số ca nhiễm tăng nhanh dẫn đến tình trạng thiếu giường bệnh trầm trọng, khiến giới chức phải cho phép bệnh nhân triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được cách ly tại nhà và các trung tâm cộng đồng. Thái Lan cũng cho phép người dân sử dụng bộ xét nghiệm Covid-19 ngay tại nhà.