Stephen Hawking, ngôi sao sáng nhất của giới khoa học, người am hiểu sâu sắc về vũ trụ học hiện đại đồng thời cũng là người truyền cảm hứng đến hàng triệu người trên thế giới đã từ giã cõi đời ở tuổi đời 76. Gia đình ông chính thức công bố thông tin trên sáng sớm thứ tư ngày 14/3.
Các con của ông, Lucy, Robert và Tim nói trong thông báo: “Chúng tôi đau buồn khi phải thông báo cho mọi người biết rằng cha chúng tôi đã qua đời hôm nay. Ông là một nhà khoa học kiệt xuất và khác thường mà di sản ông để lại sẽ tồn tại qua những năm tháng tiếp đến. Sự can đảm, kiên trì cộng với óc hài hước, sáng tạo của ông đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên hàng triệu người trên khắp thế giới.”
Với các đồng nghiệp trong ngành khoa học, chính óc hài hước của ông đã ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn là cơ thể tàn tật với giọng nói kỹ thuật số.
Những hiểu biết sâu sắc của Hawking đã góp phần tạo nên khoa học vũ trụ hiện đại và thu hút sự quan tâm của hàng triệu người. Nguồn: The Guardian
Stephen Hawking phát hiện mắc bệnh về thần kinh vận động vào năm 1963, khi mới 21 tuổi. Các bác sĩ khi đó chẩn đoán Hawking chỉ sống được thêm hai năm nhưng thật may là ông nằm trong trường hợp bệnh tiến triển chậm. Ông đã sống với căn bệnh này trong suốt nửa thế kỷ qua.
Năm 1974, ở tuổi 32, ông đã được bầu vô Hội Hoàng gia Luân Đôn (Royal Society). Năm năm sau, ông trở thành giáo sư toán học Lucasian, là chức giáo sư toán học danh giá của Đại học Cambridge (Anh) mà người từng ở vị trí đó là nhà toán học lừng danh Isaac Newton, và giữ chức danh này trong 30 năm trước khi chuyển sang làm giám đốc nghiên cứu của Trung tâm vũ trụ học lý thuyết.
Ông có rất nhiều đóng góp to lớn cho ngành khoa học vũ trụ. Một trong số những tác phẩm ấn tượng nhất của ông có thể kể đến là cuốn A Brief History of Time (tựa tiếng Việt “Lược sử thời gian”).