Hồ sơ được nộp lên tòa án liên bang khẳng định rằng mặc dù ông Elon Musk được xem là người đứng đầu thực tế của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) - cơ quan được thành lập dưới thời Tổng thống Donald Trump với mục tiêu cắt giảm chi tiêu chính phủ - ông không có quyền ra quyết định trong chính phủ.
Theo hồ sơ, ông Elon Musk chỉ là "nhân viên chính phủ đặc biệt" và là "cố vấn cấp cao cho tổng thống", giống như các cố vấn khác của Nhà Trắng. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là ông không có thẩm quyền chính thức hoặc thực tế để đưa ra các quyết định chính phủ.
Tỷ phú Musk chỉ có thể đưa ra lời khuyên và truyền đạt các chỉ thị từ Tổng thống Trump, theo xác nhận của ông Joshua Fisher, Giám đốc Phòng Hành chính Nhà Trắng.

Mặc dù ông Musk được biết đến như là người đứng đầu thực tế của DOGE, hồ sơ từ Nhà Trắng cũng chỉ ra rằng tỷ phú này không phải là nhân viên chính thức của cơ quan này và không quản lý DOGE. Nhà Trắng cũng không cung cấp thông tin ai là người lãnh đạo chính thức DOGE hiện nay.
Thông tin này được công bố sau khi 14 bang đệ đơn kiện đối với DOGE và tỷ phú Elon Musk, cáo buộc việc bổ nhiệm ông Musk vào vị trí trong cơ quan này là bất hợp pháp.
Các quan chức tư pháp chỉ trích rằng quyền hạn của DOGE do Musk đứng đầu vượt quá giới hạn quyền hành pháp của một cơ quan chính phủ, trái ngược hoàn toàn với Hiến pháp Mỹ. Họ yêu cầu tòa án ra lệnh cấm Musk thực hiện bất kỳ hành động hành pháp nào liên quan đến DOGE.
Cuộc chiến pháp lý xoay quanh DOGE càng trở nên căng thẳng hơn khi cơ quan này được thành lập nhằm giảm thiểu chi tiêu liên bang, trong vài tuần qua đã thực hiện các cuộc thanh tra sâu rộng tại các cơ quan chính phủ, tìm kiếm những khoản chi tiêu lãng phí, gian lận và lạm dụng.
Kết quả là nhiều công chức chính phủ bị sa thải và các chương trình viện trợ nước ngoài của Mỹ bị cắt giảm mạnh.