Nhật Bản đang lên kế hoạch đóng tàu bệnh viện - có khả năng ứng phó nhanh chóng với các thảm họa thiên nhiên ở các khu vực ven biển.
Thủ tướng Fumio Kishida hôm 9/7 đã chỉ thị cho các bộ trưởng lập dự thảo kế hoạch cho các tàu - được thiết kế để hoạt động như bệnh viện nổi vào cuối năm nay.
Quyết định phát triển tàu bệnh viện là hệ quả trực tiếp của trận động đất mạnh 7,6 độ richter vào ngày đầu năm nay tại Nhật Bản, gây ra loạt trận sóng thần phá hủy một số cộng đồng dân cư, bao gồm các thị trấn Suzu, Wajima và Noto.
Các nhà chức trách đã xác nhận 281 người tử vong và 3 người vẫn mất tích. Thêm 1.300 người bị thương ở 6 tỉnh trong trận động đất mạnh nhất kể từ trận động đất tháng 3/2011 ngoài khơi đông bắc Nhật Bản.
Đài truyền hình quốc gia dẫn lời ông Kishida cho biết: "Tại đất nước chúng tôi, nơi được bao quanh bởi biển, có những tình huống mà việc tiếp cận các khu vực thảm họa từ biển và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế là có hiệu quả".
Một lực lượng đặc nhiệm của chính phủ đang cân nhắc sử dụng phà chở ô tô cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp cho đến khi các tàu chuyên dụng được đưa vào sử dụng.
Các thông số kỹ thuật của tàu mới vẫn chưa được thống nhất nhưng các tàu bệnh viện quân sự và dân sự do các quốc gia khác sử dụng thường được trang bị bãi đáp trực thăng, khu vực neo đậu nơi tàu tiếp tế có thể chuyển bệnh nhân, phòng phẫu thuật, cơ sở chăm sóc đặc biệt, dịch vụ nha khoa, phòng xét nghiệm, hiệu thuốc và nhà xác.
Tổ chức từ thiện Mercy Ships điều hành 2 tàu bệnh viện, MV Global Mercy và MV Africa Mercy, trong khi Tây Ban Nha cũng có 3 tàu bệnh viện chuyên dụng.
Ở những nơi khác, quân đội Hoa Kỳ, Việt Nam, Nga, Peru, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc và Brazil cũng có các tàu được sử dụng để ứng phó với thiên tai – theo SCMP.