Nhật Bản dùng AI giải quyết khủng hoảng nhân lực quốc phòng?

VOH - Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng nhất trong 7 thập kỷ qua.

Với gần 24.000 binh sĩ thiếu hụt so với chỉ tiêu, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã phải tìm đến các giải pháp mới, bao gồm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ khí tự động để bù đắp khoảng trống nhân sự.

Báo cáo mới nhất cho thấy, từ năm 2019 đến nay, số lượng binh sĩ tuyển được liên tục giảm. Năm 2019, Lực lượng Phòng vệ chỉ đạt 90% chỉ tiêu tuyển dụng, con số này giảm xuống 66% vào năm 2022 và chỉ còn 51% trong năm 2023. Ngoài ra, số lượng binh sĩ xin giải ngũ trước hạn cũng tăng cao, do áp lực công việc, chế độ đãi ngộ không tương xứng và các vấn đề về quấy rối trong quân ngũ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng là sự già hóa dân số và giảm sút dân số trẻ tại Nhật Bản. Thêm vào đó, tình hình an ninh khu vực ngày càng phức tạp, với những căng thẳng chủ quyền trên biển và sự gia tăng các vụ phóng tên lửa từ Triều Tiên, khiến Nhật Bản gặp nhiều áp lực trong việc duy trì lực lượng quốc phòng đủ mạnh.

AI NHat ban
Ảnh minh hoạ

Nhật Bản đang tăng cường sử dụng AI và các thiết bị tự động để giảm sự phụ thuộc vào nhân lực. Các thiết bị bay không người lái, hệ thống giám sát tự động trên không, biển và đất liền đang được triển khai mạnh mẽ. Hệ thống phòng thủ tên lửa và các thiết bị quân sự hiện đại cũng được tích hợp công nghệ AI để tăng hiệu quả tác chiến.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng AI chỉ là giải pháp tình thế. Con người vẫn đóng vai trò không thể thay thế trong nhiều nhiệm vụ, từ điều khiển thiết bị đến chiến lược tác chiến. Việc giảm sự phụ thuộc vào nhân lực hoàn toàn là một thách thức lớn và có thể gây ra những nguy cơ tiềm tàng.

Để giải quyết vấn đề dài hạn, Nhật Bản đã tăng ngân sách quốc phòng lên 7.950 tỷ Yên (54,8 tỷ USD) trong năm tài chính 2024, trong đó có khoản chi đáng kể để tăng lương và cải thiện phúc lợi cho binh sĩ. Các khoản thưởng khi tuyển dụng binh sĩ mới cũng được tăng từ 221.000 Yên lên 500.000 Yên. Ngoài ra, các doanh trại quân đội đang được nâng cấp điều kiện sống để giảm áp lực cho binh sĩ.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang triển khai các chiến dịch tuyên truyền nhằm khuyến khích thanh niên tham gia quân ngũ, đồng thời cải thiện môi trường làm việc trong lực lượng phòng vệ, bao gồm xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng quyền lực trong quân đội.

Nhật Bản đặt mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu hụt 24.000 binh sĩ vào năm 2025, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là một thách thức lớn. Với áp lực nhân lực và sự cạnh tranh nguồn lao động trong nhiều lĩnh vực, mục tiêu này có thể cần nhiều thời gian hơn để đạt được.

Trong bối cảnh hiện tại, việc kết hợp giữa cải thiện chế độ đãi ngộ và ứng dụng công nghệ là hướng đi khả thi nhất để đối phó với khủng hoảng nhân lực quốc phòng.

 
Bình luận