Nhật Bản: Hàng ngàn người xuống đường phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar

(VOH) - Ngày 3/2, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình, tập trung bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản để phản đối cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra tại Myanmar.

Rất đông người biểu tình trong trang phục màu đỏ và mang theo hình chân dung của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, xếp hàng dài xung quanh các tòa nhà ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản - nơi hiếm khi diễn ra các cuộc biểu tình lớn mang yếu tố chính trị - để phản đối cuộc đảo chính quân sự đang diễn ra tại Myanmar. Những người này cũng yêu cầu Nhật Bản hãy như các đồng minh của mình, có thái độ cứng rắn hơn nữa đối với cuộc đảo chính.

Chỉ riêng trong ngày thứ Tư 3/2, số người biểu tình lên đến gần 3.000 người. Đám đông hô vang khẩu hiệu “Tự do, thả tự do cho Aung San Suu Kyi, tự do cho Myanmar”. Cùng lúc đó, một số người đại diện trong nhóm biểu tình trao cho các quan chức ngoại giao Nhật Bản văn bản kêu gọi Nhật Bản hãy sử dụng “tất cả sức mạnh chính trị, ngoại giao và kinh tế” để khôi phục lại chính phủ dân sự ở Myanmar.

Cuộc biểu tình do Hiệp hội công dân Myanmar tại Nhật Bản khởi xướng. Tổ chức này cho rằng Nhật Bản không nên công nhận chính quyền quân sự mới ở Myanmar.

Nhật Bản: Hàng ngàn người ở Tokyo xuống đường phản đối cuộc đảo chính Myanmar
Nhật Bản: Hàng ngàn người ở Tokyo xuống đường phản đối cuộc đảo chính Myanmar

Hàng ngàn người Myanmar tập trung bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo để phản đối cuộc đảo chính đang diễn ra tại quê hương. Ảnh: Reuters

Nhật Bản và Myanmar vốn có mối quan hệ mật thiết trong thời gian dài, và Nhật Bản là nguồn viện trợ chính của Myanmar. Trong vài năm gần đây, các công ty Nhật Bản cũng tích cực mở rộng việc kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á này, xem đây là thị trường lớn cuối cùng của Nhật Bản trong khu vực.

Vào rạng sáng thứ Hai tuần này, quân đội Myanmar đã bất ngờ lên nắm chính quyền và bắt giam Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm. Động thái này diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa hai bên, liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.

Nhiều nước phương Tây gọi đây là nỗ lực “đảo chính” của quân đội Myanmar, kêu gọi các chỉ huy lực lượng vũ trang nước này ngừng các động thái “đi ngược lại ý nguyện của người dân”.

Tại một cuộc họp báo ngày 2/2, khi được hỏi liệu Nhật Bản có ủng hộ Myanmar giành lại chính phủ dân sự, hay có đồng tình với quan điểm của Mỹ đưa ra trước đó về vấn đề này hay không, người phát ngôn hàng đầu của chính phủ Nhật Bản không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà chỉ lặp lại rằng nước Nhật sẽ giữ liên lạc với các quốc gia khác và theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Myanmar.