Theo truyền thông Nhật Bản, du khách nói trên cùng gia đình nhập cảnh Nhật Bản du lịch vào ngày thứ Hai 11/11 và có chuyến thăm đền Meiji Jingu vào ngày 13/11.
Tuy nhiên, hình ảnh camera an ninh ghi lại cảnh du khách này đã dùng móng tay khắc tên gia đình mình lên cột gỗ ở cổng đền và cảnh sát đã đến tận khách sạn để bắt giữ người này với cáo buộc phá hoại của công.
Đền Meiji Jingu, nằm ở quận Shibuya, trung tâm Tokyo, là một ngôi đền Thần đạo nổi tiếng, thờ Thiên hoàng Meiji và Hoàng hậu Shoken.
Các quan chức địa phương cho biết đây là một ví dụ mới nhất về hành vi không đúng mực của du khách sau đại dịch.
Trước đó, vào tháng 10, một du khách người Chile đã bị chỉ trích dữ dội khi đăng video ghi lại cảnh cô thực hiện động tác hít xà tại một ngôi đền khác. Nữ du khách này có đến gần 140.000 người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội Instagram. Người này sau đó đã đăng video xin lỗi, khẳng định mình không cố ý thể hiện sự thiếu tôn trọng.
Hiện tại, dù nhiệt độ ở Nhật Bản đang giảm do vào mùa đông, nhu cầu du lịch lại tăng cao. Chỉ riêng trong tháng 9, Nhật Bản đã chào đón số du khách kỷ lục với gần 27 triệu du khách và chi tiêu của họ đã đóng góp thêm 5,86 ngàn tỷ yên (37,5 tỷ USD) cho nền kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, sự gia tăng du khách cũng dẫn đến nhiều vấn đề. Người dân Nhật Bản, đặc biệt ở các thành phố lớn như Tokyo và Kyoto, ngày càng phàn nàn về hành vi thiếu ý thức của một số du khách. Tại Kyoto, cư dân thường xuyên phải chịu đựng các hành vi làm phiền và quấy rối, đặc biệt đối với các geisha.
Ở một thị trấn gần núi Phú Sĩ, chính quyền đã phải dựng rào chắn tại một địa điểm ngắm cảnh nổi tiếng vào tháng 5 để ngăn chặn tình trạng du khách mạo hiểm lao ra đường để chụp ảnh. Sau khi lượng du khách thực hiện hành vi nguy hiểm giảm, rào chắn đã được gỡ bỏ.
Nhật Bản hiện áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiểm soát lượng khách và bảo vệ các di sản. Một ví dụ điển hình là việc thu phí 2.000 yen (khoảng 13 USD) đối với du khách muốn leo núi Phú Sĩ qua một tuyến đường mòn nổi tiếng.