Trận động đất dự kiến sẽ đạt cường độ từ 8 đến 9, có thể gây ra sóng thần khổng lồ, làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Rãnh Nankai là rãnh ngầm nằm ở phía nam khu vực Nankaido thuộc đảo Honshu, trải dài khoảng 900km chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản.
Đây là nơi mảng kiến tạo Biển Philippines trượt xuống bên dưới mảng lục địa của Nhật Bản, tích trữ một lượng lớn năng lượng. Khi các mảng kiến tạo này vỡ, nó có thể gây ra động đất lớn và sóng thần.
Theo dữ liệu lịch sử, các trận động đất mạnh ở khu vực này xảy ra sau mỗi 100-200 năm. Lần gần đây nhất là vào năm 1946, cách đây gần 80 năm. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ động đất đang tăng lên hàng năm với tốc độ khoảng 1%.
Chính phủ Nhật Bản ước tính một trận động đất mạnh tại Rãnh Nankai có thể gây sóng thần cao hơn 30 mét, đủ sức nhấn chìm các hòn đảo nhỏ và tấn công các khu vực đông dân cư trên các đảo Honshu và Shikoku chỉ trong vài phút.
Ở trận động đất năm 1707, khi đó toàn bộ đoạn Rãnh Nankai bị vỡ đã gây ra trận động đất mạnh thứ hai trong lịch sử Nhật Bản và kích hoạt núi Phú Sĩ phun trào.
Nhật Bản đã triển khai các hệ thống cảnh báo siêu động đất, được kích hoạt lần đầu vào tháng 8/2024, khi một trận động đất mạnh 7,1 độ xảy ra ngoài khơi tỉnh Miyazaki, gần Rãnh Nankai.
Mặc dù cảnh báo được gỡ sau một tuần, nó làm dấy lên lo ngại và dẫn đến tình trạng thiếu lương thực do người dân tích trữ khẩn cấp.
Theo giáo sư Naoshi Hirata từ Đại học Tokyo, nguy cơ xảy ra động đất mạnh tại Rãnh Nankai tiếp tục gia tăng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị.
Hệ thống cảnh báo động đất hiện tại có thể cung cấp thông báo trước từ 5 đến 30 phút khi phát hiện tiền chấn, giúp người dân sống ven biển có thêm thời gian sơ tán.
Trong quá khứ, Nhật Bản đã trải qua nhiều thảm họa động đất lớn, trong đó trận động đất Tohoku năm 2011 với độ lớn 9,0 đã gây ra sóng thần tàn phá, dẫn đến thảm họa hạt nhân tại Fukushima.
Việc nâng dự báo nguy cơ siêu động đất là một lời cảnh báo nghiêm trọng đối với Nhật Bản, nơi thường xuyên phải đối mặt với những cơn "thịnh nộ" của thiên nhiên do vị trí địa lý đặc biệt của mình.