Nhật Bản phóng tên lửa đẩy H3 mang theo vệ tinh liên lạc của Bộ Quốc phòng vào ngày 4/11, đánh dấu lần phóng thành công thứ ba liên tiếp sau lần phóng đầu tiên không thành công vào năm 2023.
Dòng H3 là phiên bản kế thừa của tàu vũ trụ H2A hiện tại của Nhật Bản, vốn đã hỗ trợ chương trình phát triển không gian của Nhật Bản trong hơn 20 năm và sẽ được ‘cho nghỉ hưu’ sau lần phóng cuối cùng, có thể là vào cuối tháng 3/2025.
Tên lửa H3 số 4 sẽ đưa vệ tinh quốc phòng lên quỹ đạo ở độ cao khoảng 36.000 km. Vệ tinh này, cùng với hai vệ tinh khác đã hoạt động, được thiết kế để tăng cường thông tin liên lạc cho Lực lượng Phòng vệ của đất nước.
Tên lửa do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản và Mitsubishi Heavy Industries phát triển đã phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, phía tây nam.
Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 20/10 nhưng bị hoãn lại nhiều lần do điều kiện thời tiết và các lý do khác.
H3 ra mắt vào tháng 3/2023 nhưng lần phóng đầu tiên của nó kết thúc bằng lệnh tự hủy vài phút sau khi cất cánh do động cơ tầng thứ hai không đánh lửa được. Tên lửa số 2 và số 3 đã được phóng thành công vào tháng 2 và tháng 7 năm nay.
Sự cạnh tranh trong ngành kinh doanh vũ trụ đã trở nên gay gắt hơn kể từ khi SpaceX của Mỹ - công ty tự hào về công nghệ mang tính cách mạng và thành tích phóng tên lửa ấn tượng - bước vào thị trường.