Nhật Bản: Số trẻ sơ sinh giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm, tỷ lệ người già vượt ngưỡng 15%

(VOH) - Thống kê mới đây cho thấy, số trẻ sơ sinh tại Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm qua, trong khi tỷ lệ người từ 75 tuổi trở lên ở Nhật Bản vượt ngưỡng 15%.

Số trẻ sơ sinh tại Nhật giảm 5% so với cùng kỳ 2021

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số trẻ sơ sinh của Nhật Bản (bao gồm trẻ được sinh ra ở Nhật Bản và con mới sinh của những người Nhật Bản ở nước ngoài) là 384.942 trẻ, giảm 20.087 trẻ (5%) so với cùng kỳ năm ngoái. Đây lần đầu tiên số trẻ sinh ra ít hơn 400.000 trẻ kể từ năm 2000.

dân số nhật bản
Mức sinh thấp kỷ lục trong bối cảnh Nhật Bản chịu ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19.

Dựa trên số liệu trên, tổng số trẻ sơ sinh cả năm của Nhật Bản được dự báo giảm xuống mức thấp hơn 811.604 trẻ (ghi nhận năm 2021), đánh dấu lần đầu dưới mức 800.000 trẻ kể từ khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thống kê dữ liệu năm 1899.

Số trẻ sơ sinh hàng năm ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có xu hướng giảm kể từ giữa những năm 1970 và tốc độ giảm hiện nay nhanh hơn dự đoán của chính phủ. Năm 2017, Viện Nghiên cứu Dân số và an sinh xã hội quốc gia của Nhật Bản từng dự đoán số trẻ sơ sinh chào đời sẽ ở mức 850.000 trẻ vào năm 2022 và giảm xuống dưới 800.000 vào năm 2030.

Tỷ lệ sinh ngày càng thấp đang gây thêm áp lực cho Chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh Tokyo vẫn đang nỗ lực tìm cách duy trì quỹ hưu trí quốc gia ngày một phình to, đảm bảo hệ thống y tế và chăm sóc người cao tuổi khi dân số ngày càng già hóa.

Tỷ lệ người từ 75 tuổi trở lên – tăng trưởng kinh tế của Nhật có bị kéo giảm?

Theo thống kê, Nhật Bản hiện có 19,37 triệu người từ 75 tuổi trở lên, chiếm hơn 15% dân số. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ người từ 75 tuổi trở lên ở Nhật Bản vượt ngưỡng 15%.

Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội Nhật Bản dự báo, đến năm 2040 số người cao tuổi sẽ chiếm 35,3% dân số nước này.

Số lượng người già ngày càng tăng lên, tỷ lệ sinh thấp dần theo từng năm và số lượng người trẻ, người trong độ tuổi lao động rất thấp.

Chính vì vậy, giải quyết tình trạng già hóa dân số là một trong những điều Thủ tướng Kishida Fumio nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử, coi đây là ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình, bên cạnh những vấn đề khác như chống dịch và phục hồi kinh tế.

Tại Nhật Bản, tăng trưởng kinh tế bị chi phối bởi lực lượng lao động, song lực lượng này lại đang giảm nhanh chóng do sự gia tăng của già hóa và giảm tỷ lệ sinh. Lực lượng lao động giảm cũng khiến thị trường nội địa bị thu hẹp, sức hấp dẫn đầu tư giảm. Tiềm năng tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là kinh tế cũng giảm sút theo.

Một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 6/2019 cho biết, hệ thống lương hưu của nước này sẽ quá tải và không thể đảm bảo mức sống ổn định cho người dân nếu số người già tiếp tục gia tăng. Chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho người cao tuổi, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài khóa 2018.

Để thực hiện chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn lao động trong bối cảnh dân số giảm, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo cơ hội việc làm cho những người cao tuổi có nguyện vọng.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua dự luật kêu gọi các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Dự luật này có hiệu lực từ tháng 4/2021.

Trên thực tế, số người cao tuổi có việc làm tại Nhật Bản tăng liên tục từ năm 2004. Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên có việc làm đạt 25,1%, cao thứ 2 trong số các nền kinh tế lớn.

Các công ty Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào những người đến tuổi nghỉ hưu để lấp đầy vị trí tuyển dụng. Nhiều nhà bán lẻ tại Nhật Bản hiện đã loại bỏ giới hạn độ tuổi của nhân viên nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng lao động…

Bên cạnh đó, Nhật Bản hiện đang đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành nghề cần nhiều sức khỏe mà người cao tuổi không đáp ứng được.

Xem thêm: Nhật Bản khuyến khích người dân uống nhiều bia rượu hơn, vì sao?

Quốc gia này cũng đang khuyến khích lực lượng lao động nhập cư để giải quyết vấn đề về dân số, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế nếu tỷ lệ sinh tiếp tục không có dấu hiệu cải thiện, khi đó vấn đề về “tăng trưởng kinh tế” và “phúc lợi xã hội” của Nhật Bản tiếp tục sẽ là bài toán khó.

Trong Sách trắng 2022 về tỷ lệ sinh giảm do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố có đoạn nêu rõ đại dịch Covid-19 lây lan đã làm giảm số lượng các cặp kết hôn và mang thai so với trước đại dịch, những người ở độ tuổi 20 và 30 cũng lo lắng về hôn nhân, thu nhập, việc làm và gia đình hơn các nhóm tuổi khác.

Theo số liệu chính thức, số lượng các cặp kết hôn trong nửa đầu năm 2022 đã tăng 243 cặp so với cùng kỳ năm trước lên 265.593 cặp, nhưng con số này vẫn giảm hơn 50.000 cặp so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.