Cuộc điều tra của Nhật Bản tại Căn cứ Không quân Yokota diễn ra sau thông báo của Mỹ cách đây 2 tháng rằng, nước chứa PFOS - được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại là "có khả năng gây ung thư cho con người" - đã tràn ra từ địa điểm này.
Các chuyên gia cho biết, PFOS là một phần của nhóm lớn các hóa chất nhân tạo được gọi là PFAS, đôi khi được gọi là "hóa chất vĩnh viễn" vì chúng không dễ phân hủy.
Phó chánh văn phòng nội các Fumitoshi Sato cho biết, quân đội Mỹ đã thông báo với Tokyo vào tháng 10/2024 rằng nước pha PFOS đã rò rỉ từ một khu vực của căn cứ nơi đang diễn ra cuộc diễn tập chữa cháy.
"Cuộc thanh tra này được thực hiện nhằm giải quyết nỗi lo sợ và quan ngại của người dân địa phương và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với phía Mỹ", ông Sato cho biết.
Văn phòng phụ trách các vấn đề công cộng của Căn cứ Không quân Yokota cho biết: "PFAS là mối quan ngại chung áp dụng cho các hoạt động công nghiệp quân sự và dân sự trên khắp Nhật Bản bất kể quốc tịch nào".
"Chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ sức khỏe của nhân viên, gia đình của họ và cộng đồng xung quanh nơi chúng tôi sinh sống và phục vụ", văn phòng cho biết, đồng thời nói thêm rằng cơ quan này sẽ tuân thủ mọi thỏa thuận và nghĩa vụ có liên quan và phối hợp chặt chẽ với chính phủ Nhật Bản "hướng tới các giải pháp bền vững".
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản thường xuyên gây ra sự bất bình tại địa phương trong quá khứ, từ tiếng ồn đến ô nhiễm cho đến tai nạn trực thăng.
Sự thất vọng này có lẽ thể hiện rõ nhất ở đảo Okinawa ở phía nam, mặc dù chỉ chiếm 0,6% diện tích đất liền của Nhật Bản nhưng lại là nơi đặt phần lớn các căn cứ quân sự của Mỹ tại nước này.
Đầu tháng này, Mỹ đã bắt đầu di dời hàng nghìn lính thủy đánh bộ khỏi Okinawa, với "một đội ban đầu gồm khoảng 100 lính thủy đánh bộ hỗ trợ hậu cần" được chuyển đến đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ.