Nhật Bản xác nhận ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

(VOH) – Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 25/6 cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia đã thông qua kế hoạch hủy bỏ việc triển khai hai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Hội đồng đã ra quyết định này vào ngày thứ Tư 24/6, và hiện chính quyền Nhật sẽ cần bước vào đàm phán với Mỹ về những việc cần làm cho các khoản thanh toán và giải quyết hợp đồng mua bán hệ thống phòng thủ Aegis Ashore đã ký.

Hội đồng cũng dự kiến sẽ sửa đổi lại kế hoạch phòng thủ cơ bản của Nhật vào cuối năm nay để cập nhật chương trình phòng thủ tên lửa và mở rộng tư thế phòng thủ của đất nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono tuyên bố kế hoạch loại bỏ các hệ thống vào đầu tháng này sau khi nhận thấy rằng sự an toàn của một trong hai vị trí được lên kế hoạch triển khai không thể được đảm bảo nếu không thiết kế lại phần cứng, và việc thiết kế lại sẽ quá tốn thời gian và chi phí.

Chính phủ Nhật vào năm 2017 đã phê chuẩn bổ sung thêm hai hệ thống Aegis Ashore để tăng cường thêm sức mạnh phòng thủ của quốc gia, bao gồm tàu khu trục Aegis trên biển và tên lửa Patriot trên đất liền.

Các quan chức quốc phòng cho biết hai hệ thống Aegis Ashore có thể mở tầm bảo vệ bao phủ Nhật Bản hoàn toàn từ một trạm tại Yamaguchi ở phía nam và một tại Akita ở phía bắc.

Kế hoạch triển khai hai hệ thống đã phải đối mặt với một loạt thất bại, bao gồm các câu hỏi về việc lựa chọn địa điểm, tăng vọt chi phí ước tính lên 450 tỷ Yên (4,1 tỷ đô la) cho quá trình hoạt động và bảo trì kéo dài 30 năm, và mối quan tâm về độ an toàn dẫn đến sự phản đối của địa phương.

Kono cho biết Nhật Bản đã ký hợp đồng trị giá gần một nửa tổng chi phí và trả một phần trong số đó cho Mỹ.

Thủ tướng Shinzo Abe, người đã liên tục thúc đẩy tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản, tuần trước cho biết, trong bối cảnh chính phủ cần phải xem xét lại chương trình phòng thủ tên lửa của Nhật Bản và có nhiều bước đi hơn nữa trong liên minh an ninh quốc gia với Mỹ.

Thủ tướng Abe cho biết chính phủ sẽ xem xét khả năng có được khả năng tấn công phủ đầu, một kế hoạch gây tranh cãi mà các nhà phê bình cho rằng sẽ vi phạm Hiến pháp từ bỏ chiến tranh của Nhật Bản.