Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đạt 45 gigawatt công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2040, được xem là yếu tố then chốt giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào than đá và khí đốt nhập khẩu, cắt giảm khí thải carbon và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đình trệ sau 3 vòng đấu thầu lớn nhằm phát triển công suất điện gió. Tập đoàn Mitsubishi, đơn vị trúng thầu trong vòng đấu giá đầu tiên của chính phủ vào năm 2021, đã cảnh báo trong tháng 2 rằng chi phí leo thang buộc họ phải xem xét lại kế hoạch đầu tư của mình.

Các tua bin gió được nhìn thấy dọc theo bãi biển ở thị trấn Happo, tỉnh Akita, Nhật Bản. - Ảnh: Reuters.
Cảnh báo của Mitsubishi, cùng khoản lỗ hơn 300 triệu USD từ ngành điện gió ngoài khơi, diễn ra sau khi tập đoàn Orsted (Đan Mạch) quyết định rút khỏi thị trường Nhật Bản vào năm 2024 trong khuôn khổ tái cơ cấu toàn cầu.
Tập đoàn Shell cũng vừa cắt giảm đội ngũ phụ trách điện gió ngoài khơi tại Nhật Bản, trong bối cảnh hãng đang thu hẹp các hoạt động liên quan đến năng lượng carbon thấp.
Trước làn sóng thu hẹp hoặc hủy bỏ dự án năng lượng tái tạo tại châu Âu, châu Á và nước Mỹ, chính phủ Nhật Bản đang tích cực đàm phán với các doanh nghiệp trong ngành, những bên đang đề xuất loạt giải pháp nhằm giảm rủi ro và cắt giảm chi phí đầu tư.
Ông Yuriy Humber, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu đầu tư K.K. Yuri Group, nhận định, ngành điện gió ngoài khơi vẫn còn rất non trẻ tại Nhật Bản và các bên liên quan đều đang trong giai đoạn học hỏi. Ông nhấn mạnh rằng, yếu tố then chốt nằm ở mức độ sẵn sàng hợp tác của chính phủ với các doanh nghiệp.
Theo các tài liệu của chính phủ, Nhật Bản đang cân nhắc một số điều chỉnh, bao gồm việc kéo dài thời hạn dự án từ 30 lên 40 năm và làm rõ quy định vận tải ven biển để cho phép các tàu không treo cờ Nhật được hoạt động tại khu vực điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cũng đề xuất tổ chức các cuộc đấu giá công suất và hỗ trợ giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp lớn ký hợp đồng mua điện dài hạn thay vì hợp đồng theo năm, dù việc triển khai còn gặp khó khăn do ngân sách nhà nước đã tập trung vào các gói hỗ trợ các hộ gia đình trước áp lực giá cả tăng cao.
Chính phủ cũng đang cân nhắc chuyển cơ chế giá điện cho những đơn vị trúng thầu trong vòng đấu giá đầu tiên từ “giá điện hỗ trợ” (FIT) sang “cơ chế giá thưởng” (FIP). Điều này sẽ cho phép Mitsubishi hưởng lợi từ biến động giá thị trường. Cơ chế FIP đã được áp dụng cho các vòng đấu thầu từ đợt thứ 2 trở đi.
Tính đến nay, Nhật Bản đã đấu thầu được khoảng 1/10 tổng công suất điện gió ngoài khơi mà nước này hướng tới. Dù tham gia muộn vào thị trường điện gió ngoài khơi, Tokyo vẫn thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế nhờ tham vọng nâng cao khả năng tự chủ năng lượng quốc gia.