Quyết định này được đưa ra sau khi ông chỉ trích đảng Dân chủ (DP) đối lập, cho rằng họ đang "chống phá nhà nước". Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, Tổng thống Yoon đã thông báo hủy bỏ thiết quân luật theo yêu cầu của quốc hội.
Ngay lập tức, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ sự hoan nghênh đối với quyết định của Tổng thống Yoon và hy vọng rằng các bất đồng chính trị ở Hàn Quốc sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Ông cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với đồng minh Hàn Quốc.
Phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết chính quyền Mỹ cảm thấy "nhẹ nhõm" khi ông Yoon đảo ngược quyết định ban hành thiết quân luật, đồng thời khẳng định họ không được thông báo trước về động thái này.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shigeru Ishiba cho biết nước này đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ với "mối quan ngại nghiêm trọng" và đã triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản tại Hàn Quốc.
Từ Anh, Phó phát ngôn viên của Thủ tướng Keir Starmer cũng yêu cầu công dân Anh tránh tham gia vào các cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hàn Quốc.
Nga, Đức và Liên Hợp Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại về tình hình chính trị ở Hàn Quốc. Các quốc gia này coi việc ban hành thiết quân luật là một diễn biến "đáng quan ngại" và đang theo dõi sát sao tình hình.
Mặc dù thiết quân luật đã được hủy bỏ, tình hình chính trị tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng.
Đảng đối lập yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon và nhấn mạnh rằng ông không nên tại vị thêm một phút nào nữa. Đảng Quyền lực Nhân dân, đảng cầm quyền, cũng chỉ trích các quan chức chính phủ liên quan đến sự cố này, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, người đã đề xuất ban hành thiết quân luật.
Họ cảnh báo rằng mọi quan chức liên quan phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, đồng thời yêu cầu Tổng thống Yoon phải giải thích rõ ràng về sự việc này.