Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm nay ngày 9/10 đã công bố chủ nhân giải thưởng Nobel Hóa học năm 2019. Theo đó, giải thưởng đã vinh danh ba nhà khoa học là John B. Goodenough (người Mỹ gốc Đức), Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật Bản). Các nhà nghiên cứu sẽ cùng chia sẻ giải thưởng trị giá hơn 900.000 USD.
Trong số ba nhà khoa học trên, đáng chú ý có giáo sư Goodenough (97 tuổi) là vị giáo sư lớn tuổi nhất từ trước đến nay đoạt giải Nobel. Tại buổi họp báo công bố giải Noel, nhà khoa học Sara Snogerup Linse, Chủ tịch Ủy ban Nobel về Hóa học, nhấn mạnh pin lithium-ion với trọng lượng nhẹ mà ba nhà khoa học nghiên cứu phát triển đã giúp đưa thế giới "tiếp cận với một cuộc cách mạng công nghệ mới".
Những nghiên cứu của các nhà khoa học này đã giúp tạo ra được pin lithium-ion và đã tạo ra cuộc cách mạng cho cuộc sống hiện đại ngày nay. Pin được ứng dụng rộng rãi trên đủ thiết bị công nghệ, từ điện thoại di động đến máy tính xách tay, xe điện và thu ổn định các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, góp phần đặt nền tảng cho một xã hội không dây, không nhiên liệu hóa thạch.
Chân dung các nhà khoa học vừa được trao giải Nobel Hóa học 2019 tại buổi lễ vinh danh ở Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 9/10/2019. Ảnh: Reuters
Vào đầu những năm 1970, giáo sư Stanley Whittingham đã sử dụng hệ thống thiết bị rất lớn để phát triển loại pin lithium có thể hoạt động đầu tiên. Sau đó, giáo sư John Goodenough đã tăng gấp đôi tiềm năng hoạt động của pin lithium, tạo ra những điều kiện phù hợp để có một loại pin mạnh mẽ và hữu dụng hơn.
Vị giáo sư người Nhật Bản Akira Yoshino lại là người đã thành công trong việc loại bỏ lithium nguyên chất khỏi pin, thay vào đó chỉ dựa hoàn toàn trên lithium-ion, vốn an toàn hơn lithium nguyên chất. Điều này đã khiến loại pin này có thể khai thác ứng dụng rộng rãi trong thực tế.
Theo tờ Guardian nhận định, giải thưởng Nobel Hóa học 2019 có thể xem là một giải thưởng "đại chúng" mà giới quan sát đã mong chờ suốt nhiều năm qua. Sự phổ biến ngày càng nhiều của pin lithium-ion trong đời sống khiến việc trao giải Nobel cho thành tựu góp phần phát triển ra loại pin này chỉ còn là vấn đề thời gian. Nobel Hóa học là giải thưởng thứ ba được công bố sau Nobel Y sinh và Vật lý. Vào các ngày 10, 11 và 14/10, Ủy ban Nobel sẽ lần lượt công bố chủ nhân của những giải còn lại thuộc lĩnh vực Văn học, Hòa bình và Kinh tế.