Lần phun trào đặc biệt vào lúc 1h15 sáng (giờ địa phương) tạo ra một đám mây tro bụi cao đến 1.500m, đe dọa sự an toàn của cư dân trong khu vực. Ngày 15/1, Ibu phun cột tro bụi cao tới 4.000m, khiến chính quyền phải nâng mức cảnh báo lên cấp cao nhất và sơ tán 3.000 người dân từ 6 ngôi làng gần đó.
Đây chỉ là một trong hơn 1.000 vụ phun trào của núi lửa Ibu từ ngày 1/1, với những cột tro bụi thường xuyên vươn lên không trung từ 300m đến 4.000m. Mặc dù đã có lệnh sơ tán, nhưng đến ngày 19/1, chỉ 517 người được di tản, còn lại nhiều người vẫn quyết định ở lại vì quen với hoạt động của núi lửa và đang trong mùa thu hoạch.
Ibu là một trong những ngọn núi lửa mạnh nhất tại Indonesia, và hoạt động của nó đã gia tăng từ tháng 6 năm ngoái.
Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân và du khách tránh xa bán kính 5-6km quanh miệng núi lửa và đeo khẩu trang để phòng ngừa tro bụi.
Indonesia, nằm dọc Vành đai Lửa Thái Bình Dương, luôn phải đối mặt với các hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt như động đất và phun trào núi lửa.
Bằng chứng là những vụ phun trào như núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở đảo Flores và núi lửa Ruang ở Bắc Sulawesi, đều đã gây ra thiệt hại và cảnh báo nguy hiểm cho cộng đồng sinh sống quanh các khu vực này.