Ngay sau nửa đêm rạng sáng 11/4 (giờ địa phương), núi lửa Shiveluch ở Bán đảo Kamchatka phía đông của Nga đã phun trào và đạt đến đỉnh điểm khoảng 6 giờ sau đó.
Núi lửa phun trào đã hình thành một đám mây tro bụi trải rộng trên diện tích lên đến 108.000 km2, theo Viện Hàn lâm Khoa học Khảo sát Địa vật lý Nga - chi nhánh Kamchatka.
Dòng dung nham tuôn ra từ núi lửa đã làm tan lớp tuyết dày. Giới chức địa phương đã cảnh báo bùn từ dung nham và tuyết chảy dọc theo đường cao tốc.
Các ngôi làng trong khu vực bị bao phủ bởi lớp tro xám dày tới 8,5cm. Đây là lớp tro núi lửa dày nhất tại đây trong 60 năm qua.
Giám đốc chi nhánh Kamchatka của Cơ quan Khảo sát Địa vật lý - ông Danila Chebrov cho biết: “Lớp tro bụi cao tới 20 km, chúng di chuyển về phía tây và rơi rất mạnh xuống các ngôi làng gần đó."
Đội ứng phó sự cố phun trào núi lửa Kamchatka (KVERT) cũng đưa ra thông báo đỏ cho ngành hàng không. KVERT cho biết hoạt động núi lửa đang diễn ra có thể ảnh hưởng đến các chuyến bay quốc tế và các máy bay bay tầm thấp.
Một số trường học ở bán đảo Kamchatka, cách thủ đô Matxcơva khoảng 6.800km về phía đông, đã đóng cửa và người dân được yêu cầu ở trong nhà.
Khoảng 300.000 người sống trên bán đảo Kamchatka rộng lớn của Nga. Núi lửa Shiveluch có độ cao 3.283 m, đường kính chân núi lửa khoảng 45 - 50 km. Đây là một trong những ngọn núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất ở Kamchatka. Ngọn núi này có khoảng 60 vụ phun trào đáng kể trong 10.000 năm qua. Vụ phun trào lớn nhất gần đây của Shiveluch diễn ra vào năm 2007.