Nước Anh gây tranh cãi khi duyệt dự án khai thác than sau 30 năm

(VOH) – Vương quốc Anh phát triển mỏ than mới đầu tiên sau 30 năm vấp phải sự lên án của các nhà môi trường vì đây là bước lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Nâng cấp nước Anh Michael Gove đã duyệt phát triển mỏ than mới đầu tiên sau 30 năm tại Whitehaven ở Cumbria thuộc Tây Bắc vùng England, theo AP.

Dự án ước tính trị giá 165 triệu bảng, dự kiến sẽ sản xuất 2,8 triệu tấn than/năm và tạo ra khoảng 500 việc làm tại khu vực.

Mỏ than mới của Anh sẽ tạo ra khoảng 400.000 tấn khí thải nhà kính/năm, tương đương lượng khí thải của 200.000 ôtô lưu thông trên đường.

Than được khai thác từ mỏ sẽ được sử dụng để sản xuất thép, thay thế than nhập khẩu. “Mỏ có tác động trung lập đối với biến đổi khí hậu. Mỏ than này phù hợp với các chính sách của chính phủ nhằm đối phó với thách thức của biến đổi khí hậu”, chính phủ Anh tuyên bố.

Anh khẳng định mỏ than mới sẽ hoạt động theo luật khí hậu, nước này sẽ phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và các hoạt động sử dụng than sẽ ngừng vào năm 2049.

Nước Anh gây tranh cãi khi duyệt dự án khai thác than sau 30 năm 1
Nước Anh gây tranh cãi khi duyệt dự án khai thác than sau 30 năm.

Quyết định của chính phủ Anh đã vấp phải sự lên án của các nhà môi trường, cho rằng đây là một bước lùi đáng kể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết việc phát triển mỏ than mới sẽ gửi đi thông điệp hoàn toàn trái ngược với nỗ lực của Anh trong 3 năm qua trong việc thuyết phục các quốc gia ngừng sử dụng than đá, nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất.

Các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực khí hậu nhận định mỏ than mới sẽ là một đòn giáng mạnh vào vị thế của Anh với tư cách là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Anh đã chuyển giao quyền chủ tịch Hội nghị COP27 (Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu) cho Ai Cập, sau khi chủ trì COP26, được đánh giá là thành công khi các nước cam kết tiếp tục duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.