Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ông Trump ký lệnh rút Mỹ khỏi WHO

MỸ - Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ trích cơ quan này xử lý kém trong các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Ông Trump cáo buộc WHO bị ảnh hưởng quá mức bởi “sức ảnh hưởng chính trị không thích đáng từ các quốc gia thành viên”, đặc biệt là Trung Quốc và yêu cầu Mỹ phải đóng góp quá mức vào ngân sách của tổ chức này.

"WHO đã lợi dụng chúng ta, ai cũng lợi dụng nước Mỹ. Điều đó sẽ không còn xảy ra nữa," ông Trump tuyên bố khi ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO.

Tổ chức Y tế Thế giới hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về quyết định này.

Động thái rút lui này không gây quá bất ngờ, bởi ông Trump đã chỉ trích WHO từ năm 2020 về cách thức ứng phó với đại dịch Covid-19, thậm chí đe dọa cắt tài trợ. Vì ông thua cựu Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, quyết định này phải hoãn đến tận hôm nay.

afp2025012136ux2rtv1highresuspoliticstrumpinauguration-1-17374306195221995823202
Ngày 20/1, ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO và cáo buộc cơ quan này đã "lợi dụng" Mỹ - Ảnh: AFP

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi WHO trong vòng 12 tháng và ngừng mọi khoản đóng góp tài chính cho tổ chức này.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng quyết định của ông Trump có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trong các vấn đề y tế toàn cầu, đồng thời gây khó khăn trong việc ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Ông Lawrence O. Gostin, chuyên gia luật y tế công cộng từ Đại học Georgetown, cho rằng việc rút khỏi WHO là một “vết thương nghiêm trọng” đối với hệ thống y tế công cộng toàn cầu, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích và an ninh quốc gia Mỹ.

Tiến sĩ Ashish Jha, người từng giữ chức Điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng dưới chính quyền Biden, mô tả đây là một "sai lầm chiến lược".

Theo ông Jha, WHO là một tổ chức thiết yếu và Trung Quốc sẽ thế chân khi Mỹ rút lui, giành được ảnh hưởng chính trị lớn hơn trên toàn thế giới. Ông Jha cũng cảnh báo, động thái của chính quyền Trump sẽ làm suy yếu WHO vì tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhân viên và chuyên môn của Mỹ, đặc biệt trong việc theo dõi bệnh cúm toàn cầu.

Bình luận