Chờ...

Ông Trump trở lại, đồng minh của Mỹ cần phương án B về an ninh?

VOH - Theo giới phân tích, bầu cử 2024 ở Hoa Kỳ, có thể tác động đến thế giới lớn bậc nhất, từ thời điểm kết thúc thế chiến thứ 2 tới nay.

Sau khi cuộc bầu cử khép lại, không khí tại châu Âu được một số tờ báo ghi nhận khá căng thẳng. Các cuộc trò chuyện bên lề, từ chính giới đến quán café, thường nói về chiến thắng của ông Trump. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine có thể dừng lại, buộc Kiev chấp nhận ngừng bắn theo yêu cầu từ Nga. Điều này khiến châu Âu chịu nhiều áp lực với người láng giềng khổng lồ phía Đông.

c_Trump
Ông Trump trở lại khiến nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại - Ảnh: CNN

Nga chiếm ưu thế, có thể khuyến khích Trung Quốc mạnh mẽ hơn ở biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như Triều Tiên ở Đông Á và Iran ở Trung Đông.

Ông Trump nói đủ sức ngăn chặn thế chiến thứ 3 nếu đắc cử, nhưng một số chuyên gia cho rằng, ông có thiện cảm và sẵn sàng thỏa thuận với các nước trên, có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh.

Ông Trump chiến thắng, nước Mỹ gần như bị chia làm 2 về lòng người lẫn quan điểm. Một quốc gia chia rẽ sẽ giảm sức mạnh để lãnh đạo trật tự quốc tế. Kết quả là nhiều đồng minh hiểu rằng, họ không thể tự bảo vệ mình lẫn an ninh khu vực, nếu dựa vào Hoa Kỳ, nên cần hành động để tự cứu. Điều này dẫn đến 1 trật tự ổn định hay hỗn loạn hơn, hiện vẫn chưa rõ ràng.

Khi Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất, các nền kinh tế lớn ở châu Âu và châu Á hưởng lợi dưới sự bảo vệ của chiếc ô an ninh, gọi là “kế hoạch A”. Tuy nhiên hiện tại, sức mạnh của Trung Quốc đang ngày một tăng và nước Nga thì kiên quyết bảo vệ lợi ích.

Trước tình hình trên, đồng minh của Hoa Kỳ đang gia tăng chi tiêu quốc phòng, và hợp tác với quốc gia cùng chí hướng. Ví dụ Nhật Bản. Ngoài Hoa Kỳ, thời gian qua Tokyo liên kết mạnh mẽ hơn với Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ hay Úc.

Câu hỏi đặt ra, kế hoạch B như trên sẽ được tiến hành đến mức nào? Và hiệu quả đo lường ra sao?

Giữa tháng 10, giới chức cấp cao lẫn chuyên gia từ Hoa Kỳ và châu Âu đã họp tại Latvia – quốc gia Baltic có biên giới với Nga, để thảo luận vấn đề an ninh. Nhiều bên thừa nhận, họ không thể tiếp tục dựa vào Hoa Kỳ nữa. Một quan chức từ quốc gia lớn ở châu Âu nói: “Bất kỳ ai được bầu vào ngày 5/11, nếu chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng, Hoa Kỳ vẫn cam kết an ninh với châu Âu, sẽ là sự hư cấu nguy hiểm.”

Thời gian qua, cuộc chiến Trung Đông làm lo ngại thêm vấn đề an ninh châu Á. Hoa Kỳ đã đưa một tàu sân bay từ Đông Á đến biển Đỏ để bảo vệ Israel, khiến Washington không còn chiếc nào ở khu vực trọng điểm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hoa Kỳ không thể giải quyết xung đột đồng thời ở châu Âu, châu Á và Trung Đông. Dẫu vậy, giới chức Nhật Bản và châu Âu cũng thừa nhận, giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ là điều cực kỳ khó.

Để chuẩn bị kế hoạch B, đồng minh cần xem xét kỹ năng lực trên bộ, trên không, trên biển, trong không gian và trên mạng, nhằm xác định mức độ có thể giảm phụ thuộc Hoa Kỳ trong từng lĩnh vực. Thảo luận về răn đe hạt nhân cũng là điều không tránh khỏi.

Tại nhiều quốc gia mới nổi, quan điểm lại rất khác phương Tây. Họ chào đón chứ không e ngại sự trở lại của ông Trump.

Theo thăm dò của The Economist, phần lớn người được hỏi ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, Ấn Độ, Ai Cập và Ả Rập Xê Út ủng hộ vị cựu Tổng thống trong kỳ bầu cử năm nay. Nhiều quốc gia trong số này nằm tại Trung Đông hoặc châu Phi, nơi sự hiện diện của Hoa Kỳ đã suy yếu từ lâu. Họ có tính đến sự vắng mặt của Hoa Kỳ và chuẩn bị kế hoạch B.

Thổ Nhĩ Kỳ, 1 thành viên NATO, đang tìm cách gia nhập BRICS – khối do Trung Quốc và Nga dẫn dắt. Một cố vấn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, trật tự do Hoa Kỳ dẫn dắt đã thoái trào. Ankara không thể bảo vệ lợi ích chính mình, nếu cứ làm theo sự dẫn dắt của Washington.

2025 sẽ đánh dấu 80 năm kết thúc thế chiến thứ 2. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ là điều kiện tiên quyết, ngăn cuộc chiến lớn khác bùng nổ trong giai đoạn sau đó. Nhiều ý kiến cho rằng, luận cứ này đang lung lay trong giai đoạn hiện tại. Do vậy, các quốc gia cần giải pháp khác để duy trì hoa bình. Giải pháp khác này sẽ dẫn tới đâu, thì rất khó để trả lời.