Pháp ủng hộ Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga

VOH - Ngày 23/11, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa do Pháp cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, miễn là những hành động này nhằm mục đích tự vệ.

Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC, ông Jean-Noël Barrot nhấn mạnh các đồng minh phương Tây không nên áp đặt “giới hạn đỏ” trong việc hỗ trợ Ukraine. Theo ông, mục tiêu chính là đảm bảo an ninh cho châu Âu trước mối đe dọa từ chiến dịch quân sự của Nga.

ten lua_voh

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine một cách quyết liệt và lâu dài nhất có thể. Khi Nga tiến thêm một km vuông, mối nguy đối với châu Âu lại tiến gần thêm một km vuông,” ông Barrot nói, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp viện trợ quân sự.

Ngoại trưởng Pháp cũng không loại trừ khả năng gia tăng chi tiêu quốc phòng trong tương lai, khẳng định phương Tây cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức an ninh mới.

Sau quyết định của Mỹ và Anh, việc Pháp “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa như Storm Shadow/SCALP có thể thay đổi cục diện chiến trường.

Ngày 21/11, Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadow/SCALP trong cuộc tấn công tại tỉnh Bryansk, Nga. Trước đó, vào ngày 17-11, Mỹ cũng cho phép Ukraine triển khai tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) để đánh vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, bao gồm một sở chỉ huy ở tỉnh Kursk.

Theo chuyên gia quân sự Pavlo Narozhnyi, các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa sẽ buộc Nga phải rút máy bay khỏi tầm bắn của Ukraine, giảm đáng kể khả năng tác chiến. Nếu các sân bay của Nga phải di chuyển xa hơn 300 km khỏi tiền tuyến, số lượt xuất kích hàng ngày có thể giảm 30-40%.

Ngoài viện trợ quân sự, Pháp và các đồng minh cũng đang thúc đẩy Ukraine tiến gần hơn đến việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Ngoại trưởng Barrot cho biết đây là một quá trình dài hạn và cần sự đồng thuận của toàn bộ khối.

Mặc dù Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phương Tây, các quốc gia này vẫn thận trọng trước nguy cơ leo thang xung đột. Việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa nhằm vào lãnh thổ Nga từng gây tranh cãi, nhưng hiện nay được xem như một bước đi cần thiết để giảm áp lực từ Nga và bảo vệ các khu vực chiến lược.

Các chuyên gia nhận định rằng việc triển khai tên lửa tầm xa không chỉ làm giảm hiệu quả tác chiến của không quân Nga mà còn gây áp lực lớn đến các lực lượng mặt đất. Các máy bay chiến đấu Su-34, Su-35 và trực thăng tấn công Su-25 của Nga, vốn là mối đe dọa với xe tăng và lực lượng Ukraine, sẽ gặp khó khăn hơn khi phải hoạt động xa căn cứ.

Hiện tại, Nga có thể thực hiện khoảng 60-65 lượt xuất kích mỗi ngày, thả từ 100-120 quả bom dẫn đường. Tuy nhiên, việc di chuyển máy bay đến các sân bay xa hơn sẽ khiến lực lượng này giảm hiệu suất và gia tăng nguy cơ sai sót do phi công mệt mỏi và hao mòn thiết bị.

Bình luận