Dự thảo nghị quyết này cũng kêu gọi chính phủ Philippines của Tổng thống Rodrigo Duterte ngăn chặn các vụ "hành quyết phi pháp", đánh dấu lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được yêu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này.
"27.000 người bị giết trong ba năm qua, bao gồm những người nghèo khổ nhất, trong cuộc đàn áp lớn. Đây là trường hợp tồi tệ nhất về các vụ giết người phi pháp trên toàn cầu trong bối cảnh không có xung đột vũ trang", Ellecer "Budit" Carlos của nhóm iDefend có trụ sở tại Manila cho biết.
Tuy nhiên, chính quyền Duterte khẳng định chỉ hơn 5.000 nghi phạm buôn bán ma túy bị giết trong cuộc chiến. Diễn đàn Geneva sẽ bỏ phiếu về nghị quyết trước khi kết thúc phiên họp ba tuần vào ngày 12/7 tới. Philippines là một trong 47 thành viên của diễn đàn.
Người dân Philippines bày tỏ niềm thương tiếc với Kian Loyd delos Santos - thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết trong một đợt trấn áp của chiến dịch chống ma túy vào tháng 8/2017 (Ảnh: Reuters)
Các nhà hoạt động nói rằng Hội đồng Nhân quyền và văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet phải làm sáng tỏ tình hình. "Đối với chúng tôi, ưu tiên hàng đầu cho phiên họp này là tình hình ở Philippines", Laila Matar của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. "Các thi thể tiếp tục chồng chất ở Manila và các khu vực đô thị khác. Cuộc chiến chống ma túy là cuộc chiến phần lớn nhằm vào những cộng đồng nghèo khổ, đói kém và chịu nhiều thiệt thòi".
Sau khi lên nắm quyền tháng 5/2016, Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm mà không cần qua xét xử. Những nhóm đấu tranh vì nhân quyền tin rằng số người chết có thể còn cao gấp 4 lần con số chính phủ cung cấp do nhiều trường hợp không được báo cáo hoặc được thực hiện trong bí mật bởi những băng nhóm sát thủ do chính quyền thuê.