Ngày 29/4, cơ quan thời tiết Philippines dự báo nền nhiệt độ ở khu vực thủ đô lên đến 37 độ C trong vòng 3 ngày tới. Tuy vậy chỉ số nhiệt - mức nhiệt thực tế mà cơ thể cảm nhận khi nhiệt độ kết hợp với độ ẩm trong không khí - được dự báo có thể chạm mốc kỷ lục 45 độ C, mức nguy hiểm có thể gây ra đột quỵ nếu tiếp xúc lâu dài.
Nhiều vùng khác ở Philippines như May, Glaiza Escullar cũng có mức chỉ số nhiệt cao kỷ lục kéo dài sang tuần thứ hai liên tiếp.
Bộ Giáo dục Philippines đã yêu cầu các trường công lập chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến vì nắng nóng như thiêu đốt, khi các trường học ở đảo quốc này đa số đều khá đông học sinh và hầu hết đều không trang bị máy điều hòa không khí.
Ông Benjo Basas, chủ tịch một nhóm các giáo viên và những người làm công tác giáo dục ở Philippines cho biết trong vài ngày qua đã ghi nhận một số trường hợp chóng mặt, cao huyết áp và ngất xỉu ở giáo viên và học sinh do ảnh hưởng từ nắng nóng.
Công ty quản lý và điều hành lưới điện Philippines cho biết nắng nóng kéo dài cũng đang gây áp lực lên nguồn cung cấp điện ở khu vực đảo chính Luzon - nơi chiếm 3/4 sản lượng kinh tế của cả nước. Hồi đầu tháng này, 13 nhà máy điện ở Luzon đã đóng cửa khiến nguồn dự trữ điện ngày càng cạn kiệt.
Hoạt động tại sân bay chính ở thủ đô Manila cũng bị ảnh hưởng từ nắng nóng, khi 2 trong tổng số 6 tháp làm mát ở nhà ga số 3 bị hư hỏng hôm 28/4, gây không ít khó khăn và mệt mỏi cho hành khách.
Ngoài Philippines, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang trải qua đợt nắng nóng cực đoan suốt nhiều tuần qua. Tại Indonesia, nhiệt độ tăng cao cũng được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết, từ 15.000 ca hồi năm ngoái lên 35.000 ca theo số liệu ghi nhận trong tháng vừa qua.
Hãng thông tấn nhà nước Antara của Indonesia dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế nước này, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết các tác động từ El Nino đã khiến mùa khô với nắng nóng gây gắt kéo dài đã làm thay đổi tập tính sinh sản và vòng đời của loài muỗi gây bệnh.