Chờ...

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ về đâu khi lãnh đạo hai nước đều gửi thư riêng đến cùng một tổ chức?

(VOH) - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​tổ chức cuộc họp song phương trực tuyến vào tuần tới.

Trước khi cuộc họp này diễn ra, hai nhà lãnh đạo đã gửi thư riêng đến cùng một tổ chức tại Mỹ. Quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai sẽ đi đâu về đâu đang là vấn đề được nhiều nước quan tâm.

Ngày 9/11, Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung (NCUCR) đã tổ chức bữa tiệc tối năm 2021 tại New York. Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi thư riêng đến NCUCR và những thư này được công bố bởi người đứng đầu NCUCR Jacob Lew và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương.

Trong bức thư của mình, ông Biden nói thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử và mối quan hệ Mỹ-Trung có ý nghĩa toàn cầu, từ việc ứng phó với đại dịch Covid-19 đến việc giải quyết các mối đe dọa thực sự của cuộc khủng hoảng khí hậu. Muốn giải quyết những thách thức này và nắm bắt các cơ hội, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần phải đoàn kết rộng rãi hơn nữa.

Quan hệ Mỹ-Trung sẽ về đâu khi lãnh đạo hai nước đều gửi thư riêng đến cùng một tổ chức? 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Bình. (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình nói rằng quan hệ Trung-Mỹ đang ở một thời điểm lịch sử quan trọng. Hai nước sẽ cùng có lợi nếu cùng nhau hợp tác và sẽ cùng bị thiệt hại nếu đối đầu nhau. Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất.

NCUCR là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 1966 nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều thành viên của tổ chức này là những chuyên gia người Mỹ khá am hiểu về Trung Quốc, chẳng hạn như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew, hiện đang là người đứng đầu của NCUCR…

Những nội dung trong bức thư của ông Biden và Tập Cận Bình được các nhà phân tích coi là nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời dọn đường cho cuộc họp song phương trực tuyến vào tuần tới.

Cuộc họp vào tuần tới có thể kéo dài hơn các cuộc điện đàm trước đây

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Andrew Ross Sorkin của tờ New York Times vào ngày 10/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các cuộc điện đàm trước đây giữa ông Biden và Tập Cận Bình kéo dài khoảng 5 giờ đồng hồ. Dự kiến, cuộc họp trực tuyến vào tuần tới có thể sẽ kéo dài hơn và sẽ tập trung thảo luận về nhiều vấn đề.

Ông Blinken nói, mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc là mối quan hệ phức tạp và là mối quan hệ quan trọng nhất. Trong quan hệ hai nước, có những phương diện rõ ràng có tính cạnh tranh, cũng có những phương diện có tính hợp tác và một số có tính đối đầu. Vấn đề là cả hai cần quản lý tốt mối quan hệ này ở tất cả các phương diện khác nhau.

Kể từ khi chính quyền Biden nhậm chức vào tháng Giêng, Mỹ và Trung Quốc đã có các cuộc đối thoại cấp cao. Tổng thống Biden đã 2 lần điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo ​​sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến vào tuần tới.

Cuộc họp diễn ra sau hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX.

Giới phân tích cho rằng, cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh trong tuần này dự kiến sẽ mở đường cho ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3 vào sang năm.

Trong suốt 21 tháng qua kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, ông Tập Cận Bình chưa một lần rời khỏi đất nước để thực hiện những chuyến công du ra nước ngoài, bao gồm việc ông vắng mặt tại cuộc họp thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Rome, Italia và cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) tại thành phố Glasgow ở Scotland, Vương quốc Anh vào cuối tháng 10 vừa qua.

Mỹ tìm cách cùng tồn tại với Trung Quốc

Đài CNN ngày 7/11 đã phát nội dung cuộc phỏng vấn với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Sullivan nói Mỹ sẽ tìm cách "cùng tồn tại với Trung Quốc" và cạnh tranh chứ không phải một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ông cũng nói rằng chính quyền Biden sẽ không lặp lại những "sai lầm" trong quá khứ, đó là tìm cách thay đổi thể chế Trung Quốc.

Ông Sullivan cũng xác nhận rằng đại diện của Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại về vấn đề thuế quan và tái khẳng định rằng chính phủ Mỹ vẫn kiên trì chính sách "một nước Trung Quốc".

Những tác động từ cuộc họp trực tuyến giữa Biden và Tập Cận Bình

Ông Lý Chính Tu, một chuyên gia tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Đài Loan nói với tờ Epoch Times rằng, ông tin Mỹ sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế về kinh tế và thương mại đối với Trung Quốc sau cuộc họp trực tuyến này.

Ông nói, các phát biểu mới đây của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho thấy, ở một mức độ nào đó, Mỹ đã chuẩn bị để xoa dịu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc .

Ông Lý Chính Tu cho rằng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quyền cơ bản của con người vì điều đó phù hợp với tinh thần lập quốc của Mỹ nhưng giọng điệu và cường độ sẽ giảm nhẹ so với trước đây.

Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa tại Đại học Công nghệ Sydney, Australia - một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc - nói rằng những phát biểu của ông Sullivan là "muốn Trung Quốc có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong vấn đề khí hậu, ứng phó với dịch bệnh Covid-19 hoặc về các vấn đề về kinh tế - thương mại".