Thành phố Baku của Azerbaijan, sẽ thu hút sự chú ý toàn cầu khi tổ chức hội nghị khí hậu COP29 vào tháng 11 tới. Thành phố này từ lâu có nhiều mối quan hệ gần gũi với Israel. Thời gian qua, tình bạn giữa Azerbaijan và Israel cũng liên tục phát triển.
Israel là thị trường nhập khẩu dầu thô hàng đầu từ Azerbaijan, đổi lại vũ khí từ Israel giúp Azerbaijan thắng Armenia trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020.
Mối quan hệ này không chỉ vì vật chất, còn liên quan đến địa chính trị. Cả 2 đều có những vấn đề khác nhau với Iran.
Israel từng gọi Azerbaijan là đối tác chiến lược. Khi Azerbaijan tuyên bố độc lập năm 1991, Israel là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận. Cộng đồng Do Thái nhỏ ở Azerbaijan, với dân số từ 7.000 đến 16.000 người, giúp làm cầu nối quan hệ về văn hóa.
Ông Benjamin Netanyahu trở thành Thủ tướng Israel đầu tiên thăm Azerbaijan năm 1997. Từ đó, hợp tác thương mại và an ninh song phương đã tăng lên. Giữa những năm 2000, Azerbaijan trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Israel.
Ngày nay, Azerbaijan cùng với Kazakhstan, cung cấp 60% dầu thô Israel sử dụng. Nhà nước Do Thái tin rằng, có 1 quốc gia như Azerbaijan làm đối tác tin cậy, giúp giảm hoàn cảnh cô lập ngoại giao trong thế giới Hồi giáo. Điều này đã trở nên nổi bật từ khi chiến sự Gaza bùng phát.
Trong lúc hầu hết các quốc gia Hồi giáo chỉ trích Israel, thì chính phủ của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chọn cách im lặng. Tổng thống Aliyev đã gặp người đồng cấp Israel Isaac Herzog bên lề Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2024, trong không khí thân thiện và hữu nghị.
Nhà phân tích chính trị Rovshan Mammadli ở Baku thậm chí tin rằng, chính phủ của ông Aliyev đã ngầm cấm biểu tình chống Israel.
Dẫu vậy, Azerbaijan không phải là bên ngó lơ tình cảnh của người Palestine. Họ công nhận nhà nước Palestine, cho phép Palestine đặt đại sứ quán ở Baku, ủng hộ giải pháp 2 nhà nước và ủng hộ các nghị quyết kêu gọi 2 bên ngừng bắn.
Có thể nói, Azerbaijan đang duy trì 1 đường lối ngoại giao cân bằng, là đoàn kết với người dân Palestine nhưng không chỉ trích Israel.
Sau khi Azerbaijan chiến thắng trong xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020, mà vũ khí Israel đóng vai trò quan trọng, hợp tác quân sự giữa 2 nước đã gia tăng. Thậm chí 2 nước còn hợp tác tình báo, và Israel chia sẻ công nghệ máy bay không người lái hiện đại cho Azerbaijan. Một số công ty Israel cũng đầu tư vào tái thiết Nagorno-Karabakh.
Sự ủng hộ của Israel dành cho Azerbaijan trong cuộc chiến năm 2020, còn liên quan đến 1 quốc gia khác tại Trung Đông, là Iran. Iran ủng hộ Armenia trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ với Azerbaijan. Điều kỳ lạ, Armenia có đa số dân theo Công giáo, trong khi Iran đa số theo Hồi giáo.
Sự xung khắc còn khiến Iran ủng hộ các nhóm ly khai ở Azerbaijan, nhưng điều này không mấy thành công.
Israel thấy được giá trị của việc hỗ trợ 1 quốc gia có biên giới với Iran, giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhà nước Do Thái tìm thấy được điều này ở Azerbaijan. Trước mắt, tình báo Israel có cơ hội tuyệt vời để hoạt động ngay cạnh 1 quốc gia thù địch không đội trời chung.
Về phía Iran, thất bại của Armenia năm 2020, cũng như nhìn thấy Nagorno-Karabakh hoàn toàn thuộc về Azerbaijan năm 2023, đã thay đổi phần nào tính toán của Tehran. Họ huy động nhiều quân hơn lên biên giới dãy Kavkaz, nhằm ngăn chặn Azerbaijan tiến sâu vào Armenia, rồi có thể tiếp cận vùng lãnh thổ Nakhchivan.
Tiếp đó, Iran thực hiện chiến lược mềm mỏng hơn với Azerbaijan, như ký thỏa thuận cho phép hàng hóa từ Azerbaijan đi qua lãnh thổ Iran, để đến vùng lãnh thổ Nakhchivan.
Iran cũng hợp tác với Azerbaijan trong dự án giao thông Bắc-Nam kết nối Nga với Ấn Độ. Điều này giúp giảm căng thẳng song phương, nhưng không làm giảm hợp tác giữa Azerbaijan với Israel.
Một số tiếng nói nhận định, nếu Azerbaijan cảm thấy ít bị đe dọa từ Iran hơn, theo thời gian họ sẽ giảm nhu cầu hợp tác an ninh với Israel.
Tuy nhiên, điều đe dọa hợp tác giữa Azerbaijan và Israel lại không đến từ Iran, mà là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara là đồng minh quan trọng nhất của Baku. Cha của ông Aliyev, cũng là cựu tổng thống Azerbaijan từng mô tả mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, là cùng sắc tộc và một gia đình trong 2 nhà nước.
Trước xung đột 2020, Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho Azerbaijan, giúp huấn luyện quân đội Azerbaijan. Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò trọng yếu giúp Azerbaijan chiến thắng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại luôn căng thẳng với Israel và chỉ trích nhà nước Do Thái mạnh mẽ về cuộc chiến Gaza. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt đứt nhiều hoạt động thương mại với Israel.
Nhiều chuyên gia tin rằng, quan hệ xấu đi của Thổ Nhĩ Kỳ với Israel, có thể ảnh hưởng tới quan hệ giữa Azerbaijan với Israel, nếu tổng thống Erdogan yêu cầu đồng minh của mình đứng về phía Palestine và phản đối nhà nước Do Thái kiên quyết hơn.
Azerbaijan đang hy vọng Israel và Hamas sớm có lệnh ngừng bắn. Họ có mối quan hệ về tình cảm tốt với Palestine do chung hệ tư tưởng Hồi giáo, mối quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ do gần gũi về bản sắc dân tộc, và mối quan hệ tốt với Israel vì lợi ích và lịch sử. Lệnh ngừng bắn được nhận xét có thể giúp Azerbaijan ra khỏi tình cảnh khó xử, và vẫn duy trì quan hệ tốt với cả 3.