Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn luật triển khai quân đội đến Libya

(VOH) – Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vừa kéo dài thêm 18 tháng thời hạn cho một điều luật cho phép triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến Libya.

Dự luật đã làm mới lại một nhiệm vụ có thời hạn một năm đã có hiệu lực hồi tháng 1/2020 sau khi có một thỏa thuận an ninh và quân sự ký với Tripoli được Liên Hợp Quốc ủng hộ, tại miền tây Libya.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn luật triển khai quân đội đến Libya. Ảnh minh họa: AFP/Getty Images

Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/12 đến sau khi có lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian ban bố tại Libya hồi tháng 10. Thỏa thuận ngừng bắn đã dự tính cho sự rời đi của các lực lượng quân sự nước ngoài và lực lượng đánh thuê trong vòng ba tháng.

Các đảng đối lập đã bỏ phiếu chống việc gia hạn này nhưng số phiếu kết hợp của đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh đã cho phép dự luật được thông qua.

Libya rơi vào hỗn loạn từ năm 2011 sau một vụ đảo chính và ám sát nhà độc tài cầm quyền Moammar Gadhafi.

Quốc gia Bắc Phi giàu trữ lượng dầu này đang bị chia cắt bởi hai phe là chính phủ Tripoli và chính quyền phe đối lập đang đóng tại miền đông.

Cả hai bên đều được hỗ trợ bởi các cường quốc trong khu vực và nước ngoài cùng nhiều lực lượng dân quân địa phương.

Sự ủng hộ của Ankara đối với Chính phủ Hiệp ước Quốc gia có trụ sở tại Tripoli đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Libya. Hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ - bao gồm cố vấn, thiết bị và tình báo - đã giúp ngăn chặn nỗ lực quân sự kéo dài một năm nhằm chiếm Tripoli của các lực lượng trung thành với Khalifa Hifter, một chỉ huy người Libya cai trị nửa phía đông của đất nước.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cáo buộc gửi hàng nghìn lính đánh thuê Syria đến Libya. Trong suốt cuộc hành quân của mình trên thủ đô Tripoli, đã sụp đổ vào tháng 6, lực lượng của Hifter nhận được sự hậu thuẫn của các nước như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Pháp và Nga.

Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký một thỏa thuận hàng hải gây tranh cãi với chính phủ Tripoli, cho phép nước này tiếp cận khu vực kinh tế đang tranh chấp trên vùng biển phía đông Địa Trung Hải. Thỏa thuận đã làm gia tăng thêm căng thẳng đối với tranh chấp đang diễn ra của Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, Síp và Ai Cập về quyền khoan dầu khí.