Nghị viện châu Âu cho biết, tất cả điện thoại di động, máy tính bảng, máy ảnh kỹ thuật số, tai nghe, loa, bàn phím và nhiều thiết bị điện tử khác bán tại 27 quốc gia thành viên EU sẽ phải được trang bị cổng sạc USB Type-C.
EU khẳng định, quy định này sẽ đơn giản hóa cuộc sống của người dân châu Âu và giảm chi phí cho người tiêu dùng. Việc cho phép mua thiết bị mới mà không cần kèm theo sạc sẽ góp phần giảm thiểu lượng rác thải từ các bộ sạc không còn sử dụng.
Luật này được thông qua vào năm 2022, sau cuộc đối đầu với tập đoàn công nghệ Mỹ Apple, cho phép các công ty thích nghi cho đến ngày 28/12/2024. Đối với các nhà sản xuất máy tính xách tay, thời hạn áp dụng được kéo dài đến đầu năm 2026.
Hầu hết các thiết bị hiện nay đã sử dụng cáp USB-C, nhưng Apple vẫn còn khá miễn cưỡng. Vào năm 2021, hãng này cho rằng quy định như vậy sẽ “kìm hãm sự đổi mới”, nhưng đến tháng 09/2023, Apple đã bắt đầu bán ra các sản phẩm với cổng sạc mới.
Một thập kỷ trước, các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng tại châu Âu đã đồng ý sử dụng chung một chuẩn sạc thay vì hàng chục loại khác nhau trên thị trường, theo một thỏa thuận tự nguyện với Ủy ban châu Âu (EC).
Tuy nhiên, Apple từ chối tuân theo và vẫn giữ cổng Lightning độc quyền của mình. Trong khi đó, các nhà sản xuất khác tiếp tục sản xuất các loại cổng sạc thay thế, khiến người tiêu dùng phải đối mặt với một mớ hỗn độn từ nhiều loại dây sạc khác nhau.
Cổng USB-C, loại được EU chọn làm tiêu chuẩn chung, có khả năng sạc lên đến 100 Watt, truyền dữ liệu với tốc độ 40 gigabit/giây và có thể kết nối với màn hình ngoài.
Khi luật được thông qua, EC dự đoán nó sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 208 triệu USD mỗi năm và giảm hơn 1.000 tấn rác thải điện tử tại EU mỗi năm.