Tên trộm Kriangkrai Techamong người Thái Lan làm công việc quét dọn trong tư dinh của một hoàng tử Ả Rập Saudi, đã đánh cắp nhiều trang sức cùng với viên đá quý trị giá 20 triệu USD vào năm 1989, làm nổ ra cuộc tranh cãi giữa hai quốc gia, khiến dư luận phải gọi là “Vụ bê bối kim cương xanh”.
Sau chuyến viếng thăm của Thủ tướng Thái Lan, hai nước cùng tuyên bố trong một tuyên bố chung về việc “Tái lập toàn bộ quan hệ ngoại giao”, trong chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-cha tới Riyadh.
Một phần nội dung Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Thái Lan và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman có đoạn “Bước đi lịch sử này là kết quả của những nỗ lực lâu dài ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm xây dựng lòng tin và tình hữu nghị giữa hai bên”.
Cùng “góp vui” với sự kiện này, hãng hàng không Saudi Arabia thông báo các chuyến bay đến Thái Lan sẽ nối lại vào tháng năm năm nay.
Hai nước thống nhất sẽ mở cơ quan ngoại giao trong thời gian tới.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn thông báo tin vui là Saudi Arabia đang tuyển 8 triệu lao động có tay nghề cao, bao gồm các dự án khách sạn, chăm sóc sức khỏe và xây dựng.
Bà Rachada Dhanadirek, Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan cho biết: “Thái Lan đã sẵn sàng cung cấp những công nhân lành nghề nhất để giúp đáp ứng nhu cầu đối tác”.
Ông Prayut cho biết, năm 1987, 300.000 lao động Thái Lan đã sang làm việc tại Saudi Arabia và thu về hơn 9 tỷ baht cho đất nước này.
Những bản Hợp tác mới về việc làm giữa hai bên sẽ là tiền đề để lao động Thái Lan sang làm việc tại tại Saudi Arabia với kỳ vọng được góp phần vào tầm nhìn của nước này vào năm 2030, nằm trong khuôn khổ chiến lược cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Liên quan đến vấn đề an ninh, Saudi Arabia là một thành viên chủ chốt của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tổ chức này cũng đã thúc đẩy các nỗ lực của Chính phủ Thái trong việc khôi phục an ninh tại miền nam Thái Lan, nơi có rất đông người theo đạo Hồi.
Trước đây, Thái Lan đã nhiều lần cố gắng khôi phục một phần các mối quan hệ với Saudi Arabia để mang lại lợi ích cho ngành du lịch chủ chốt của mình, nhưng Saudi Arabia từ lâu đã cáo buộc cảnh sát Thái Lan che giấu cuộc điều tra về vụ trộm viên kim cương quý giá năm xưa và viên kim cương xanh đã bị đánh tráo bởi một viên chức cao cấp Thái Lan.
Một thời gian sau, cảnh sát Thái Lan đã trao trả lại một số đồ trang sức, nhưng các quan chức Saudi Arabia khẳng định hầu hết đó là đồ giả, trong khi tung tích của viên đá quý giá nhất - một viên kim cương xanh 50 carat quý hiếm vẫn biệt vô âm tín cho đến tận ngày nay.
Riyadh đã cử một doanh nhân đến điều tra về vụ trộm này vào năm 1990, nhưng ông này đã mất tích vài ngày ở Bangkok sau khi ba nhà ngoại giao Saudi Arabia bị bắn chết tại thành phố này.
Năm 2014, do thiếu bằng chứng, vụ án này đã bị hủy bỏ đối với 5 người đàn ông, trong đó có một sĩ quan cảnh sát cấp cao của Thái Lan, bị cáo buộc liên quan đến vụ sát hại một doanh nhân Ả Rập Xê Út.
Về phần tên trộm Kriang Krai đã bước sang tuổi 61. Cách đây 3 năm, ông có xuống tóc đi tu, sau đó vì chuyện gia đình, nên ông đã hoàn tục “Tôi xuất gia với ý nguyện là để xóa bỏ lời nguyên của viên kim cương Saudi” – Ông giải thích khi có người thắc mắc.
Nhưng dù đã bước chân vào cổng chùa, vẫn có người tìm đến và “hỏi thăm” nơi ông cất giấu viên kim cương xanh đó. Kriang Krai không nói gì cả, càng khiến mối nghi ngờ là viên đá quý đó đang được cất giấu đâu đó trong nhà ông.
Và đến tận ngày nay, khi hai nước đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao, thì người Saudi vẫn chưa rõ tung tích viên kim cương này đang nằm ở đâu trên trái đất.