Sập mỏ ngọc bích ở Myanmar, gần 100 người mất tích

(VOH) - Ít nhất 1 người đã thiệt mạng và 70 người khác còn mất tích sau một vụ sập mỏ ngọc bích vì sạt lở đất ở miền Bắc Myanmar.

Trận sạt lở đất xảy ra tại khu vực Hpakant ở bang Kachin năm ở phía Bắc Myanmar vào lúc 4 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 22/12, làm sập một mỏ khai thác ngọc bích tại đây.

Nguyên nhân của trận lở đất được cho là bắt nguồn từ việc hàng loạt xe tải liên tục trút hàng đống đất đá tại khu vực các mỏ khai thác ngọc lộ thiên. Khối lượng đất đá dồn đống thành những đồi dốc lớn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt tại những nơi có nhiều rừng cây, và những nhân công khai thác mỏ bất hợp pháp buộc phải làm việc trong điều kiện cực kỳ thiếu an toàn khi sạt lở hoặc đất đá đổ sập có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Công tác cứu hộ hiện vẫn đang tiến hành với khoảng 200 nhân viên cứu hộ được triển khai tới hiện trường. Lực lượng này còn sở dụng thuyền để tìm kiếm những người thiệt mạng trong hồ nước gần mỏ ngọc. Hầu hết nạn nhân trong vụ việc đều được cho là những người khai thác mỏ bất hợp pháp.  

Sập mỏ ngọc bích ở Myanmar, gần 100 người mất tích
Hiện trường vụ sạt lở gây sập mỏ ngọc bích ở Hpakant, Myanmar ngày 22/12/2021. Công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành. Ảnh: BBC
Sập mỏ ngọc bích ở Myanmar, gần 100 người mất tích
Gần 200 người đã được huy động để tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: BBC

Myanmar là quốc gia có trữ lượng ngọc bích lớn nhất thế giới, tuy nhiên cũng là nước thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến hoạt động khai thác này.

Việc khai thác ngọc cũng bị cấm tại vùng Hpakant, nhưng những người dân địa phương thường bất chấp những quy định của chính quyền và vẫn tiếp tục khai thác trái phép. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là áp lực kinh tế ngày càng đè nặng lên cuộc sống người dân vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Những công nhân khai thác đá quý ở đây thường đến từ các cộng đồng dân tộc nghèo khó, những người đi mót phế liệu do các công ty lớn bỏ lại.

Chỉ vài ngày trước, cũng đã có ít nhất 10 nhân công khai thác mỏ trái phép mất tích vì mắc kẹt tại một vụ lở đất khác ở Hpakant.

Tháng 7/2020, hơn 160 người - chủ yếu là lao động nhập cư, đã thiệt mạng sau khi mưa lớn khiến bùn đất cao tới gần 80 m đổ sụp xuống khu mỏ lộ thiên ở Hpakant. Đây là một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất tại Hpakant.

Năm 2019, hơn 50 người đã chết trong vụ sập mỏ tương tự. Năm 2015, hơn 120 người bỏ mạng tại đây.

Sập mỏ ngọc bích ở Myanmar, gần 100 người mất tích
Vị trí vùng Hpakant ở bang Kachin, miền Bắc Myanmar. Đây là nơi có trữ lượng ngọc bích lớn nhất và giá trị nhất thế giới. Nguồn: BBC

Tổ chức Global Witness (tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận quốc tế với mục tiêu chống lại tình trạng bóc lột tài nguyên thiên nhiên) ước tính ngành công nghiệp khai thác đá quý ở Myanmar đạt hơn 30 tỷ USD/năm, trong đó Hpakant là vùng có trữ lượng ngọc bích lớn và giá trị nhất thế giới.

Năm 2018, đạo luật cải cách về khai thác đá quý đã được thông qua ở Myanmar, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chính phủ nước này không quá sát sao trong việc thanh kiểm tra và ban hành những quy định cụ thể để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, thiếu an toàn như hiện nay.

Bình luận